Đây là góc nhìn của CEO hãng SilverPush, một công ty quảng cáo trực tuyến bằng AI, trước việc giải bóng đá Ngoại hạng Anh được Facebook mua toàn bộ bản quyền phát sóng tại Việt Nam bắt đầu từ mùa giải 2019-2020.
SilverPush, một công ty có trụ sở đặt tại Singapore vừa ra mắt nền tảng công nghệ phát hiện ngữ cảnh thông minh với tên gọi Mirrors. Nhờ việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), Mirrors có thể phân tích các đoạn video, từ đó nhận biết được logo của các thương hiệu, khuôn mặt và cả cảm xúc của những đối tượng xuất hiện trên truyền hình.
Mới đây, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Kartik Mehta – Giám đốc mảng Kinh doanh của SilverPush. Cuộc trò chuyện sẽ mang đến những góc nhìn của người trong cuộc về thị trường quảng cáo trực tuyến và truyền hình tại Việt Nam, cũng như cách mà SilverPush sẽ sử dụng các thế mạnh của mình về công nghệ AI để tồn tại bên cạnh các tên tuổi lớn như Google hay Facebook.
Pv. VietNamNet: Đâu là giải pháp mà SilverPush đưa ra nhằm giúp nhà quảng cáo tối ưu hiệu quả marketing trên TV và các thiết bị kỹ thuật số khác? Việc ứng dụng AI sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông Kartik Mehta – Giám đốc mảng Kinh doanh SilverPush: SilverPush đưa ra nền tảng phân tích được thiết kế dành riêng cho các nhà quảng cáo. Từ đây, các doanh nghiệp này có thể theo dõi được tác động mà các mẩu quảng cáo tạo ra trên thế giới kỹ thuật số. Mirrors cũng sẽ giúp các nhà quảng cáo hiểu được sự chuyển giao giữa các nền tảng đa màn hình, từ đó nắm bắt được thói quen của người sử dụng.
Khi trong đoạn phim xuất hiện một chiếc xe hơi, AI của Mirrors sẽ nhận diện chiếc xe, sau đó đưa gợi ý quảng cáo về chính chiếc xe hơi đó. |
Ví dụ, TV vẫn đang chiếm một phần lớn ngân sách dành cho giới truyền thông. Tuy nhiên, có một thực tế là với sự xuất hiện của các thiết bị thông minh, khoảng thời gian người dùng ngồi trước TV đang ngày một suy giảm. Đó cũng là thời điểm mà các nhãn hàng cần tiếp cận với khán giả truyền hình theo cách mới, thông qua một thiết bị thứ 2 là máy tính hoặc điện thoại thông minh.
Với công nghệ của SilverPush, toàn bộ việc phát hiện nội dung quảng cáo được thực hiện tự động hóa nhờ một số bằng sáng chế. SilverPush hiện đang tích hợp AI vào việc quảng cáo trực tuyến, giúp hệ thống của công ty này có thể nhận biết được nhiều ngữ cảnh liên quan đến thương hiệu hơn. Mirrors sẽ tìm ra được ngữ cảnh và thương hiệu được nhắc đến trong đoạn video, từ đó đưa ra lời gợi ý mua hàng tới đúng đối tượng.
Khả năng đọc hiểu của AI giúp đảm bảo cho đoạn quảng cáo xuất hiện song song với nội dung chương trình mà người dùng đang theo dõi. Nhờ vậy, nhà quảng cáo sẽ đưa được thương hiệu của mình tới gần hơn với các khách hàng mục tiêu, đồng thời nâng cao trải nghiệm người dùng với các nội dung quảng cáo.
Pv. VietNamNet: Trong vòng 6 năm kể từ khi ra đời, đâu là những thành công của SilverPush trên thị trường quảng cáo?
Ông Kartik Mehta: Công nghệ đồng bộ hóa TV được Silver Push phát triển từ năm 2016. Kể từ đó, SilverPush tập trung vào việc phát triển thị trường tại các nước Châu Á, Châu Phi và khu vực Trung Đông. Khách hàng của Silver Push bao gồm cả các nhãn hiệu lớn như Unilever, Nesta, Samsung và Cocacola. Công ty cũng đã gặt hái được nhiều giải thưởng quan trọng.
Ông Kartik Mehta – Giám đốc mảng Kinh doanh SilverPush. |
Pv. VietNamNet: Khi nào SilverPush sẽ đến thị trường Việt Nam? Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường này?
Ông Kartik Mehta: Hiện có rất nhiều người tại Việt Nam sử dụng kết nối Internet. 84% người dân Việt Nam hiện đang sử dụng smartphone. Không chỉ có thị trường lớn với 90 triệu dân, khả năng thâm nhập sâu của Internet tại Việt Nam cũng đã được đánh giá cao với mức tăng trưởng từ lớn mỗi năm.
Với việc 5G có khả năng được triển khai sớm tại Việt Nam, sẽ ngày càng có nhiều người hơn được tiếp cận với Internet, ngay cả khi họ đang di chuyển. Do vậy, các thương hiệu sẽ càng phải tìm ra nhiều giải pháp sáng tạo hơn nữa nhằm tiếp cận người dùng.
Đây là thời điểm chín muồi để triển khai công nghệ nhận diện quảng cáo theo ngữ cảnh, với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo, điều có thể tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ.
Pv. VietNamNet: Vai trò của Việt Nam sẽ ra sao trong chiến lược của SilverPush tại thị trường Đông Nam Á?
Ông Kartik Mehta: Việt Nam là một thị trường quan trọng trong kế hoạch của SilverPush. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ những lợi ích của công nghệ đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và nhóm hàng điện tử tiêu dùng. Unilever và Samsung là những ví dụ tiêu biểu.
Chúng tôi tin tưởng rằng các giải pháp mà SilverPush cung cấp có thể giúp các thương hiệu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tiếp cận được một nhóm người dùng rộng lớn hơn, đặc biệt là giới trẻ, nhóm người thích nghi nhanh với sự thay đổi của công nghệ.
Tương lai ngành truyền hình tại Việt Nam và nhiều nước khác sẽ chịu tác động mạnh bởi thói quen dùng điện thoại thông minh của khán giả xem truyền hình. Trong hình trên là cách mà Facebook phát trực tiếp một trận đấu thuộc giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB). |
Pv. VietNamNet: Hiện thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam chứng kiến sự nổi lên vượt trội của Google và Facebook. Liệu đây có phải là đối thủ cạnh tranh chính của SilverPush hay không? Lợi thế của SilverPush là gì so với các hãng công nghệ này?
Ông Kartik Mehta: Chúng tôi coi Facebook và Google như những đối tác thay vì đối thủ cạnh tranh. Công nghệ của chúng tôi có thể là một giải pháp bổ sung cho chiếc lược tiếp thị số của các doanh nghiệp. SilverPush thực hiện điều này bằng cách khuếch đại các tương tác trên nền tảng của chúng tôi.
Pv. VietNamNet: Facebook đang nhảy vào thị trường truyền hình với việc mua lại bản quyền phát sóng giải bóng đá Premiere League tại Việt Nam. Theo ông thì điều này sẽ có lợi hay có hại đối với thị trường quảng cáo truyền hình thời gian tới?
Ông Kartik Mehta: Chúng tôi nhìn ra từ đây nhiều điểm tích cực. Việt Nam là quốc gia mà người dân cực kỳ hâm mộ bóng đá. Theo số liệu của CSM Media Research và KantarMedia Việt Nam, có tới 5,3 triệu người Việt theo dõi trận chung kết AFC U23 Championship trên sóng truyền hình.
Giải bóng đá Ngoại hạng Anh (Premirere Leguage) và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác sẽ được phát sóng trên Facebook kể từ mùa giải 2019-2020. |
Tại các sự kiện thể thao lớn như FIFA WorldCup, ASIAN Games và AFF Cup, rất nhiều thương hiệu lớn đã sử dụng công nghệ của SilverPush để tiếp cận tới các khán giả thông qua mỗi trận đấu.
Việc Facebook nắm giữ bản quyền giải bóng đá Premiere Leaguge tại Việt Nam chỉ cho thấy sự thay đổi về cách xem truyền hình của khán giả. Không chỉ có bóng đá, ngay cả những giải chạy cũng được khán giả xem nhiều hơn trên di động thay vì qua TV.
Đối với nhóm khán giải trên 35 tuổi, TV vẫn phổ biến với vai trò nhất định. Tuy nhiên ngành truyền hình cần thay đổi để thích nghi với thói quen mới của khán giả xem truyền hình. Họ có thể làm điều đó thông qua việc khởi chạy các ứng dụng OTT, hoặc phát hành các ứng dụng dùng trên di động để phát sóng trực tuyến nội dung của họ.
Nguồn: vietnamnet