Từ một làng nghề khoảng 100 hộ dân bên dòng Sa Giang phì nhiêu, đến nay Sa Đéc đã vươn lên rực rỡ thành thủ phủ hoa miền Tây.
Không chỉ đứng đầu về cung ứng hoa tươi và kiểng lá ở đồng bằng, làng hoa Sa Đéc còn thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, dịp Tết Quý Mão 2023, TP Sa Đéc sẽ có dòng sông hoa trải dài 8km phục vụ du khách. Và dự kiến cuối năm 2023, Festival hoa Sa Đéc lần đầu tiên được tổ chức.
Thủ phủ hoa miền Tây
Hiện nay, Đồng Tháp có ba khu vực chính trồng hoa và kiểng là TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh và huyện Hồng Ngự. Trong đó TP Sa Đéc là nơi sản xuất hoa kiểng nhiều và nổi tiếng nhất tỉnh, với diện tích không ngừng tăng lên.
Ông Bùi Thanh Sơn – phó chủ tịch UBND TP Sa Đéc – cho biết hiện nay diện tích trồng hoa kiểng tại Sa Đéc đạt 920ha, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021 (tăng gấp 7 lần so với năm 2007) với hơn 2.300 hộ canh tác hơn 2.000 loài hoa kiểng, 50 giống hoa hồng xuất khẩu. Trong đó, khoảng 100ha hoa kiểng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, tăng 50% so với cùng kỳ, tập trung nhiều ở xã Tân Khánh Đông, xã Tân Quy Tây và phường An Hòa, phường Tân Quy Đông.
Ngành nông nghiệp tỉnh này ước tính đến năm 2025, tỉnh sẽ đứng đầu vùng đồng bằng về cung ứng hoa tươi và kiểng lá (gồm kiểng nội thất và kiểng công trình), đứng thứ hai về sản xuất kiểng thế và kiểng hình (sau huyện Chợ Lách, Bến Tre). Đồng thời đây là nơi giàu tiềm năng phát triển về kỹ thuật canh tác, có Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung ứng ra thị trường khoảng 600.000 cây giống/năm. Ngoài ra, một số loại hoa kiểng còn được xuất đi Trung Quốc, Campuchia, Trung Đông.
So với các loại cây trồng khác, trồng hoa kiểng có hiệu quả kinh tế cao, bình quân lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm/ha, lãi gấp 6-7 lần so với trồng lúa.
Kết hợp mô hình du lịch
“Thành phố hoa” miền Tây này thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm, hình thành 6 khu vui chơi giải trí gắn liền với đặc trưng văn hóa ẩm thực miền sông nước. Tính từ năm 2016 đến nay có trên 3 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có hơn 170.000 lượt khách quốc tế, và đang tăng lên mỗi năm.
Nét đặc trưng về hoa Đồng Tháp là trồng trên những giàn cao bằng tre, trải dài tăm tắp trên những thửa ruộng ngập nước. Nguồn nước tưới tiêu được máy bơm từ những mương, rạch gần đó.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, năm 2022, diện tích gieo trồng toàn tỉnh ước đạt 3.200ha, bằng 106% kế hoạch năm, tăng 261ha so với năm 2021. Giá trị ước đạt 5.736 tỉ đồng, tăng 676 tỉ đồng so với năm 2021.
Ngành hoa kiểng được tổ chức phát triển theo hướng đa dạng chủng loại theo thị hiếu người dùng, kết nối với thị trường, doanh nghiệp để phát triển du lịch.
Du khách đặc biệt thích đến tham quan làng hoa Sa Đéc vào mỗi dịp xuân về, tiết trời se lạnh, thời điểm hoa bắt đầu chớm nụ, đơm bông bên cạnh những loài hoa nở quanh năm… Dọc theo tuyến đường Sa Nhiên – Cai Dao với bạt ngàn hoa kiểng, đa dạng sắc hương: cúc mâm xôi, cúc tiger, cúc đồng tiền, dạ yến thảo, cát tường, vạn thọ, mười giờ, hoa dừa, đại phú, chiều tím, liễu hồng, xác pháo… Dọc bờ sông cũng trên bến dưới thuyền tất bật chợ hoa những ngày giáp Tết. Các bạn trẻ tha hồ check-in.
Nắm bắt xu thế, nhiều nhà vườn đã biết thiết kế vườn hoa thành mô hình homestay, hiện có hàng chục địa điểm thú vị như: Ngôi nhà Hoa Ếch, Rose, Phong La Vent… Khách có thể ở lại qua đêm, trải nghiệm cuộc sống người trồng hoa, tận mắt xem và có những buổi trao đổi thú vị cùng những nghệ nhân khéo léo, cả đời miệt mài sáng tạo bên hoa kiểng; cùng đi chợ, nấu các món ăn dân dã như: bánh canh bột xắt, bánh xèo, hủ tiếu Sa Đéc…
Ngoài ra, Đồng Tháp còn có các hội quán như Du lịch Đồng Tháp, Tâm Mai hội quán… là nơi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, giúp nông dân cùng làm giàu.