Câu chuyện về ngành đường sắt và hạ tầng già nua, cũ kỹ, lạc hậu tiếp tục được đặt ra tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng, ngày 14-8.
Ngành đường sắt không chịu thay đổi vì không ai cạnh tranh?
Ông Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam sáng 14-8 

Tại cuộc làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, ông Mai Tiến Dũng, đã ghi nhận những thành tựu của ngành đường sắt và đóng góp của ngành này cho phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, ông Dũng cũng bình luận: “Từ những năm 80 đến nay, hạ tầng đường sắt không có thay đổi gì. Tôi có cảm giác ngành đường sắt thấy mình có một đường độc đạo, không ai cạnh tranh nên tư tưởng bao cấp vẫn nhiều hơn là tư tưởng thị trường, vì thế không chịu thay đổi gì”. Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty đường sắt Việt Nam báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh và công tác quản trị. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 đạt hơn 6.500 tỉ đồng, tuy nhiên so với 2015 giảm 12%. “Trong thời điểm hiện nay, có thể nói với hành khách, đường sắt kém hấp dẫn, kém cạnh tranh so với các ngành khác, từ chất lượng, an toàn, thị phần giảm dần qua các năm. Chúng ta có hạ tầng đầu tư từ Bắc tới Nam nhưng rất lâu đời, các vấn đề khổ đường sắt, chất lượng hạ tầng, toa xe… còn ít được quan tâm” – ông Mai Tiến Dũng nói. Một trong những vấn đề Thủ tướng nhắc nhở nữa là an toàn đường sắt, chất lượng lao động, ý thức trách nhiệm của người lao động. Tổ trưởng Tổ công tác nhắc tới các vụ việc cụ thể như tai nạn gần đây tại ga Yên Viên, Hà Nội và sự cố điều hành 2 đoàn tàu vào cùng một đường ở ga Suối Vận (Bình Thuận) tuy không gây thiệt hại lớn nhưng cho thấy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, người lao động. Báo cáo với Tổ công tác, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết khó khăn lớn nhất của ngành vẫn là thiếu hụt đầu tư. “Ngành kinh tế vẫn cần đường sắt, nhưng chi phí đầu tư đường sắt chỉ có 2%/năm. Đường sắt Việt Nam hiện quản lý hơn 3.000 km, đa phần hạ tầng lạc hậu, kinh phí đầu tư không có. Chúng tôi có 1.000 toa xe khách, gần 5.000 toa xe hàng hóa với tuổi thọ 30 năm, toa tàu mới nhất là 14 năm. Theo tính toán phải 70 năm nữa mới quay vòng được” – ông Minh cho biết. Nói về nguyên nhân hành khách bỏ đường sắt, ông Vũ Anh Minh thừa nhận: “Khách bỏ đường sắt là do chất lượng dịch vụ, mà dịch vụ ở đây chính là chất lượng vệ sinh. Để cứu vãn tình hình này, chúng tôi áp dụng giải pháp nâng cao chất lượng vệ sinh tàu ở cả 2 đầu ga, vệ sinh nội thất và ngoại thất”. Vẫn theo ông Vũ Anh Minh, ngành đường sắt sẽ đầu tư theo hướng phát huy thế mạnh, đặc biệt là đầu tư cho các cự ly trung bình. Ví dụ, một đoàn tàu chạy suốt tuyến Bắc – Nam có 700 khách nhưng chỉ 15 khách đi từ ga đầu đến ga cuối thì không thể có lãi. Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cũng cho rằng đường sắt Việt Nam không thể thu hút khách nếu không đầu tư phát triển hạ tầng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ. “Không làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam được thì phải có đoạn ngắn. Như từ TP.HCM muốn đi Mũi Né, Nha Trang nếu có tàu cao tốc thì tốt quá. Phải làm được hạ tầng thì mới phát triển được, còn không cạnh tranh rất khó” – ông Hà kiến nghị.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cạnh tranhcông tydầu tưdịch vụđường sắtkinh tếlao độngThủ tướng

Các tin liên quan đến bài viết