“Khóa giá”, “giá rẻ nhất”, “giảm giá tối đa”… là những cam kết của các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị và các cơ sở kinh doanh ở TP.HCM để đẩy mạnh sức mua khi thị trường bước vào tháng 4-2023.
Sức mua của người dân TP.HCM tăng nhưng có dấu hiệu mất cân đối khi chỉ tập trung vào nhóm thực phẩm thiết yếu
Chiều 3-4, tại buổi họp báo của Sở Công Thương TP.HCM về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn trong quý 1-2023, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – giám đốc Sở Công Thương TP.HCM – cho biết ba tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với các khó khăn, thách thức.
Nguyên do là giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia.
Trong đó, sức mua hàng hóa tiêu dùng tăng nhưng xu hướng tăng không bền vững do giỏ hàng hóa bị mất cân xứng, chỉ tập trung vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng khác bị cắt giảm mạnh.
Thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ ba tháng đầu năm ước đạt gần 164.000 tỉ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ, nhưng doanh thu lương thực, thực phẩm chiếm đến 20,4%.
Vì thế trong những tháng tiếp theo, để hỗ trợ sức mua, Sở Công Thương TP sẽ cùng các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, tập trung vào các chương trình giảm giá, kích cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Ông Nguyễn Đức Toàn – giám đốc thu mua hệ thống MM Mega Market Việt Nam – ước tính giỏ hàng mua sắm của người mua hàng qua hệ thống bị thiếu hụt khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước do cắt giảm những nhóm hàng không thiết yếu.
Từ tháng 4-2023, hệ thống sẽ có hai chương trình trọng điểm liên quan đến chính sách giá là giá sỉ, được hiểu là giá tốt nhất dành cho khách hàng và chương trình “khóa giá”.
Cùng với các doanh nghiệp cung cấp, nhà bán lẻ cam kết không tăng giá mặt hàng liên quan đến bữa ăn hằng ngày của người dân.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – đại diện Central Group – cũng khẳng định chương trình “Giá luôn rẻ hơn” mà hệ thống này triển khai sắp tới sẽ mang đến trên 1.000 sản phẩm rẻ hơn đến cuối năm, tăng thêm lựa chọn cho người dân.
Tại hệ thống Saigon Co.op, ông Hoàng Hải – phó phòng kinh doanh – cho biết năm 2023 hệ thống tiếp tục tham gia chương trình bình ổn thị trường, mở rộng thêm mặt hàng giảm giá.
“Chúng tôi cũng tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp địa phương để giảm chi phí trung gian, từ đó có cơ sở giảm giá”, ông Hải khẳng định.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết khảo sát của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy trong quý 1-2023 niềm tin của doanh nghiệp so với quý 4-2022 rất thấp. Tuy nhiên, sang quý 2-2023, niềm tin cải thiện đáng kể, có đến 37,4% doanh nghiệp đánh giá tình hình tốt lên, sản xuất kinh doanh cũng lạc quan hơn. Các chuyển động này tạo niềm tin là trong quý 2 các hoạt động của doanh nghiệp tích cực hơn.
Nguồn: tuoitre.vn