Thông tin chiều 31-5 của Tổng cục Thuế cho biết số thu ngân sách 5 tháng đầu năm tăng vượt mức cùng kỳ năm ngoái nhờ các ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất, lắp ráp ôtô…
Trong tháng 5, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 73.000 tỉ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân, nhưng số thu ngân sách vẫn tăng.
Cụ thể, số thu từ dầu thô ước đạt 3.500 tỉ đồng; thu nội địa ước đạt 69.500 tỉ đồng, bằng 116,7% so với cùng kỳ năm 2020. Dù trong tháng 5 để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn ước 10.500 tỉ đồng, gồm thuế giá trị gia tăng khoảng 6.400 tỉ đồng; tiền thuê đất khoảng 4.100 tỉ đồng.
Tổng số thu lũy kế 5 tháng qua ước đạt 562.360 tỉ đồng, bằng hơn một nửa kế hoạch năm Quốc hội giao, bằng 112% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân khiến số thu đạt mức cao trong 5 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thuế, là do tình hình kinh tế có xu hướng phục hồi từ cuối năm 2020. Đặc biệt, một số nguồn thu tăng khá, phát sinh từ các ngành gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ôtô…
Bên cạnh đó, các nguồn thu đột biến từ hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn cũng đã góp phần tăng thu cho ngân sách trong 5 tháng đầu năm.
Về hoạt động kinh doanh chứng khoán, theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư đạt gần 370.000, tăng hơn 90% so với cả năm ngoái. Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân là 3,12 triệu, tài khoản tổ chức là 15.800 tài khoản.
Tổng số tài khoản trên thị trường cuối tháng 4 tăng hơn 13%, đạt 3,14 triệu tài khoản. Giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày trong tháng 4 và 5 đạt khoảng 22.000 tỉ đồng/ngày, đóng góp rất lớn tiền thuế, phí cho ngân sách nhà nước.
Dưới góc độ vốn cho thị trường chứng khoán, theo Ngân hàng Nhà nước, tiền ngân hàng chảy vào chứng khoán tăng trở lại kể từ tháng 3 vừa qua. Dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này chiếm 0,6% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế, với khoảng 450.000 tỉ đồng.
Mới đây, Cục Thuế TP.HCM cho biết số thu thuế từ lĩnh vực chứng khoán tăng tới 221,3% trong 4 tháng đầu năm, góp phần đưa số thu thuế thu nhập cá nhân tăng 7,12%.
Tốc độ thu thuế chứng khoán tăng vượt nhiều lần so với các khoản khác, như chuyển nhượng bất động sản tăng 83,75% so với cùng kỳ 2020, đầu tư vốn của cá nhân tăng 45,76%, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 10,17%.
Nguồn: tuoitre.vn