Cho rằng số tiền tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam (VNCB) là của bị cáo Phạm Công Danh nên tòa đã tuyên buộc Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (CBBank) phải trả cho ông Danh khoản tiền này.
Sáng 25-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án với bị cáo Phạm Công Danh (cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam – VNCB) cùng đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau bản án sơ thẩm, có 15 bị cáo trong vụ án kháng cáo vì nhiều lý do như xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo… và 4 bị cáo liên quan đến kháng nghị theo hướng không cho hưởng án treo của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM.
Ngoài ra, về phần dân sự, nhiều ngân hàng kháng cáo yêu cầu không thu hồi các số tiền được bản án sơ thẩm xác định là vật chứng của vụ án.
Nguyên đơn dân sự trong vụ án là Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (CBBank – ngân hàng mua lại VNCB) kháng cáo yêu cầu không thu hồi số tiền 4.500 tỉ của ngân hàng này trả cho ông Phạm Công Danh. Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng kháng nghị cho rằng việc thu hồi 4.500 tỉ đồng của CBBank là không hợp lý.
Trước khi mở phiên tòa xét xử, một số bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan xin rút kháng cáo và đã được tòa chấp nhận.
Sau khi nghị án kéo dài, hội đồng xét xử cho rằng: Tại tòa phúc thẩm, các bị cáo kháng cáo đã thừa nhận hành vi, tội danh như bản án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người, đúng tội.
Phạm Công Danh lãnh 30 năm tù
Bị cáo Phạm Công Danh kháng cáo đề nghị ghi nhận hoàn cảnh phạm tội của bị cáo là do tình trạng thua lỗ của Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB), việc tách 2 giai đoạn là bất lợi với các bị cáo, đề nghị tòa giảm nhẹ cho các bị cáo khác, thu hồi nhiều khoản tiền vật chứng của vụ án…
Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tuy cùng xét xử hành vi gây thiệt hại cho VNCB nhưng giai đoạn 1 của vụ án xử lý hành vi cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay liên quan đến việc rút tiền của VNCB để sử dụng.
Còn giai đoạn 2 xử lý việc cố ý làm trái trong việc sử dụng tiền gửi trái pháp luật liên quan đến việc vay vốn từ các ngân hàng khác. Đây là hai vụ án độc lập, xử lý các hành vi độc lập nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo.
Việc ông Danh xin giảm nhẹ cho các bị cáo khác là ngoài phạm vi kháng cáo của bị cáo nên tòa không chấp nhận.
Về việc thu hồi tiền theo yêu cầu của ông Danh, tòa cho rằng truy dòng tiền các ngân hàng Sacombank, TPbank, BIDV đã giải ngân cho nhóm của ông Danh không thể hiện các khoản chi lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh, Hứa Thị Phấn. Tòa phúc thẩm cho rằng việc thu hồi các khoản tiền như án sơ thẩm là hợp lý.
Từ đó, tòa bác toàn bộ kháng cáo của ông Danh, tuyên phạt ông 20 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 30 năm tù của bản án trước đó nên hình phạt chung mà ông phải chấp hành là 30 năm tù.
BIDV không phải trả tiền cho CBBank
Đối với các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hội đồng xét xử cho rằng hình phạt cấp sơ thẩm áp dụng đối với các bị cáo là tương xứng với mức độ hành vi phạm tội nên bác các kháng cáo này
Riêng hai bị cáo Lê Đài và Trần Hiệp được tòa chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Theo đó, các bị cáo này được giảm từ 3 năm tù đã tuyên ở cấp sơ thẩm thành 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Đối với kháng nghị của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM không cho bốn bị cáo Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, Nguyễn Thị Kim Vân hưởng án treo, cấp phúc thẩm cho rằng các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng, đang nuôi con nhỏ… nếu không tách ra làm 2 giai đoạn thì các bị cáo đủ điều kiện được hưởng án treo. Vì vậy, HĐXX đặc biệt khoan hồng cho các bị cáo này tiếp tục hưởng án treo.
Đối với khoản tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ VNCB được bản án sơ thẩm xác định là tang vật của án nên tuyên buộc thu hồi số tiền này từ CBBank để trả lại cho Phạm Công Danh. CBBank kháng cáo không chấp nhận trả số tiền này, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng kháng nghị yêu cầu không thu hồi số tiền này của CBBank để trả cho ông Phạm Công Danh.
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm cho rằng số tiền này là do Phạm Công Danh thông qua các cá nhân, tổ chức chuyển về VNCB để nâng vốn điều lệ cho VNCB nên thực chất số tiền này là của bị cáo Danh. Khi không thể tăng vốn điều lệ, VNCB sẽ hạch toán trả lại số tiền này cho các cổ đông. Ở đây, cổ đông là các bị cáo.
Đồng thời tòa cho rằng không có tài liệu thể hiện Phạm Công Danh đã sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân nên CBBank phải chịu trách nhiệm về khoản tiền này. Tuy nhiên, số tiền 4.500 tỉ được khấu trừ với khoản tiền 2.371 tỉ vật chứng của vụ án nên chỉ thu hồi của CBBank hơn 2.100 tỉ.
Bên cạnh đó, tòa cho rằng BIDV có 95% vốn Nhà nước, việc bản án sơ thẩm tuyên buộc BIDV trả cho CBBank 1.633 tỉ đồng là không đúng, gây thiệt hại cho Nhà nước. Vì thế, tòa phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm không buộc BIDV phải trả khoản tiền này cho CBBank.
Các kháng cáo của các ngân hàng, cá nhân khác không được tòa chấp nhận.
Nguồn: tuoitre.vn