Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tiếp một loạt lãi suất điều hành. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%/năm.
Mức giảm với một số loại lãi suất điều hành là 0,25-0,5 điểm %. Quyết định giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 19/6.
Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
Lãi suất (%/năm) | Cũ | Mới |
Trần lãi suất huy động từ 1 tháng đến dưới 6 tháng | 5 | 4,75 |
Trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng | 0,5 | 0,5 |
Lãi suất tái cấp vốn | 5 | 4,5 |
Lãi suất tái chiếu khấu | 3,5 | 3 |
Lãi suất với tiền gửi bằng VND | 5,5 | 5,25 |
Giảm trần lãi suất huy động và điều hành, theo Ngân hàng Nhà nước là “bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới”. Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay.
Quyết định được đưa ra ngay sau khi Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 225, thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp lớn mà Thường trực Chính phủ nêu ra đó là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 và định hướng giảm lãi suất huy động, cho vay đối với khách hàng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, ngành ngân hàng phải khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.
Gần đây, theo khảo sát của Dân trí, hàng loạt ngân hàng đã công bố điều chỉnh lãi vay 0,5-1 điểm % với các khoản cũ.
Theo ước tính của các công ty chứng khoán, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) hiện tại vào khoảng 12,5%/năm, giảm khoảng 220 điểm cơ bản so với cuối năm ngoái nhưng vẫn cao hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với năm 2019.
Tính tới cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới đạt 3,17% so với cuối năm 2022, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tăng trưởng chỉ đạt khoảng 35% hạn mức đầu năm đối với các nhà băng quốc doanh và 50% với ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo Dân Trí