Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thủ đoạn nộp tiền khống vào DAB để xin tăng vốn điều lệ của Trần Phương Bình và đồng phạm là ‘quá tinh vi’.

Tai phiên xét xử chiều nay, đại diện VKS đặt câu hỏi đối với ngân hàng Nhà nước (NHNN): căn cứ nào cho ngân hàng Đông Á tăng vốn điều lệ? Ông Võ Văn Thuần, Phó cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN cho biết, căn cứ Đại hội đồng thường niên biểu quyết, từ đó ra nghị quyết giao cho HĐQT để bộ phận này ra văn bản gửi NHNN chi nhánh TP.HCM. Sau khi xem xét thấy đảm bảo tính tuân thủ thì mới đồng ý cho tăng vốn.

Cũng theo ông Thuần, năm 2013, ngân hàng Đông Á (DAB) xin tăng vốn nhưng do không đảm bảo yêu cầu đến năm 2014, ngân hàng này tiếp tục xin lần 2 và lần này cũng không đảm bảo yêu cầu nên NHNN không đồng ý.

Trước câu hỏi của HĐXX về quy định của NHNN đối với các ngân hàng được phép tăng vốn như thế nào, ông Thuần cho hay, để tăng vốn phải có nguồn vốn hợp lệ, nguồn tiền minh bạch rõ ràng. Nguồn tiền phải do cá nhân, tổ chức nộp vào; trường hợp là tiền vay của chính DAB rồi dùng để tăng vốn thì không được chấp nhận.

Ngân hàng Nhà nước: 'Thủ đoạn của Trần Phương Bình quá tinh vi'
Phan Văn Anh Vũ và Trần Phương Bình

Chủ tọa Phạm Lương Toản tiếp tục đưa ra câu hỏi đối với ông Thuần, trong các năm 2007-2014, tất cả nguồn tiền nằm tại DAB là nộp khống. Năm nào NHNN cũng kiểm tra nhưng không phát hiện ra việc tăng vốn bằng nguồn vốn không hợp pháp, vậy trách nhiệm NHNN và Thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước ở đâu?

Ông Thuần cho rằng ở góc độ quản lý, ông đã làm đúng trách nhiệm nhưng vì thủ đoạn của Trần Phương Bình và các đồng phạm quá tinh vi nên không thể phát hiện ra. “Hành vi phát sinh lâu dài,  rất khó phát hiện. Ngay cả khi đề nghị khởi tố vụ án, NHNN cũng phải thanh tra và kiểm quỹ nhiều lần mới phát hiện”, ông Thuần nói.

Trước câu trả lời này của đại diện NHNN, chủ tọa nhắc nhở “NHNN cho rằng hành vi của Trần Phương Bình và đồng phạm rất tinh vi. Việc tinh vi hay không sẽ xem xét. Nếu để ý một chút, đơn vị kiểm tra sẽ thấy ngay dòng tiền kế toán đi không đúng. Nếu tinh vi, sổ sách hạch toán phải phù hợp với quỹ. Đó mới được xem là kiểm tra một cách toàn diện”.

Trả lời về trách nhiệm của cơ quan giám sát trong việc để Trần Phương Bình “qua mặt” tới đâu, bà Dương Thị Bạch Tuyết (đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng Nhà Nước) cho rằng, cơ quan thanh tra, giám sát NHNN đã làm hết chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trả lời câu hỏi của đại diện VKS về việc vợ, con có biết đứng tên mua cổ phần cả ngân hàng Đông Á hay không, bị cáo Trần Phương Bình cho hay, vợ con bị cáo không hề biết việc này và cũng không trao đổi với họ.

VKS tiếp tục đưa ra dẫn chứng, vì sao thời điểm năm 2009 con gái bị cáo là Trần Phương Ngọc Thảo ký tên mua cổ phần, có giám định đúng chữ ký. Trần Phương Bình cho hay, thời điểm đó con gái bị cáo về Việt Nam và có đến trụ sở ngân hàng làm thủ tục. Bị cáo bị cáo có nhờ con gái ký tên hộ, con gái bị cáo không hề biết là mua cổ phần.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : DABNgân hàng Nhà nướcTrần Phương Bình

Các tin liên quan đến bài viết