Cuộc đua tăng lãi suất huy động bắt đầu. Hàng loạt ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động từ 0,1-1,4 điểm phần trăm/năm ở nhiều kỳ hạn, theo hướng tiền gửi càng nhiều, kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao, chưa kể các “chiêu” khác để dụ khách gửi tiền.
Đủ “chiêu” dụ khách gửi tiền
Ngân hàng Bản Việt hiện có mức tăng lãi suất cao nhất, áp dụng cho khoản tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng, từ 7,2% lên tới 8,6%/năm. Eximbank đứng ở vị trí thứ hai khi đẩy lãi suất tiết kiệm lên mức 8%/năm cho kỳ hạn 24 và 36 tháng.
Sacombank đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng, tăng từ 7,6%/năm lên 7,8%/năm và 18 tháng từ 7,1%/năm lên 7,2%/năm, áp dụng cho số tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên. Techcombank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,1-0,2 điểm % ở các kỳ hạn ngắn, tăng thêm 0,2-0,4 điểm % ở một số kỳ hạn dài như 12 tháng, 18 tháng và 36 tháng.
Không chỉ tăng lãi suất, một số ngân hàng còn tung ra nhiều “chiêu” để thu hút người gửi tiền (ảnh minh họa – Ngọc Thắng) |
VPBank cũng là ngân hàng điều chỉnh lãi suất mạnh đợt này, trung bình tăng thêm 0,1-0,2 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi từ 6-11 tháng được tăng thêm 0,2 điểm %, lên 6,7%/năm. Các kỳ hạn dài trên 12 tháng cũng tăng lên 7,1%/năm, kỳ hạn trên 24 tháng là 7,4%/năm.
Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng khác như: TPBank, SeABank, Nam Á Bank, VIB Bank,… cũng đẩy mức lãi suất tiền gửi lên cao. Trong đó, có ngân hàng tăng lãi suất 1-1,4 điểm %/năm đối với vay trung và dài hạn.
Đáng chú ý, bốn ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV cũng vào cuộc đua tăng lãi suất huy động. Tại Vietcombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở lên được điều chỉnh tăng từ 6,4% lên 6,5%. Tại BIDV, ngân hàng này điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng với mức tăng 0,2 điểm % lên 4,3%, trong khi kỳ hạn 13 tháng tăng 0,1 điểm % lên 6,8%. Tại Vietinbank, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 9 tháng tăng 0,2 điểm %. Agribank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,1-0,2 điểm % ở nhiều kỳ hạn.
Không chỉ tăng lãi suất, một số ngân hàng còn tung ra nhiều “chiêu” để thu hút người gửi tiền như cộng thêm lãi suất, tặng quà, khuyến mãi… hoặc tăng chế độ chăm sóc khách hàng gửi tiền.
Lo ngại lãi vay tăng
Theo nhận định của các chuyên gia ngân hàng, việc tăng lãi suất huy động thời gian gần đây bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn huy động để đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm, từ 45% hiện tại xuống 40% vào thời điểm 1/1/2019. Vì vậy, phải tăng huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn.
Giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay sẽ là một nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng (ảnh minh họa – Ngọc Thắng) |
Hơn nữa, lạm phát kỳ vọng trong năm nay tăng, do vậy, khách hàng đòi hỏi các ngân hàng trả lãi suất cao để bù đắp.
Nhu cầu vốn của các nhà băng có dấu hiệu tăng cao trong thời gian gần đây không chỉ trên thị trường 1 mà trên thị trường 2, lãi suất liên ngân hàng cũng tăng trở lại, đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên mức cao mới.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây gần như ủng hộ cho một đợt tăng lãi suất trong tháng 9 này. Việc Fed tăng lãi suất được giới phân tích cho rằng cũng góp phần tác động khiến lãi suất VND tăng.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, do USD trong xu hướng tăng giá nên nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động VND để tránh việc khách hàng rút tiền đồng đầu cơ vào USD.
Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, lý do khiến một số ngân hàng đã và đang đẩy nhanh nguồn huy động vốn trung hạn là do tín dụng đã tăng trưởng nhanh hơn so với huy động vốn. Điều này cho thấy, các ngân hàng đang cần đẩy mạnh huy động vốn để có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng. Các nhà băng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn lớn vào cuối năm, khi nhu cầu tín dụng tăng cao.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, mặt bằng lãi suất huy động thời gian tới có thể tăng thêm, nhưng mức tăng sẽ không lớn. Còn theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thời gian còn lại của năm nay, khả năng cao Fed sẽ tăng lãi suất hai lần, vào tháng 9 và tháng 12. Do đó, lãi suất tại Việt Nam sắp tới dự báo sẽ tăng nhẹ.
Lãi suất huy động tăng khiến nhiều DN lo ngại các ngân hàng sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng, thêm gánh nặng cho họ. Bất kỳ khi nào lãi suất huy động tăng cũng tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Hiện chưa có dấu hiệu tăng lãi suất cho vay một cách đồng loạt, nhưng không loại trừ lãi suất cho vay tăng thời gian tới.
Lãi suất huy động tăng, trong khi nhu cầu vốn cuối năm của các DN cao và nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ sắp hết hạn mức tín dụng, sẽ dễ ép DN vay với lãi suất cao. Trong bối cảnh hiện nay, giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay sẽ là một nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng, chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim nhận định.
Nguồn: vietnamnet