Bức tranh tài chính tổng kết năm 2022 của hàng loạt ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán vừa hé lộ, với khoản lợi nhuận khủng, có những ngân hàng mang về lợi nhuận lên đến con số tỉ USD.

Ngân hàng đồng loạt báo lãi hàng chục ngàn tỉ đồng - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng gặt hái lợi nhuận lớn. Trong ảnh là cảnh giao dịch ở một ngân hàng tại TP.HCM

Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, tổng kết năm 2022, Vietcombank (mã chứng khoán VCB) mang về hơn 37.300 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế (tương đương 1,59 tỉ USD), tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời vượt kế hoạch đề ra.

Với kết quả này, Vietcombank chính thức giữ vị trí quán quân về lợi nhuận trên toàn hệ thống ngân hàng trong 5 năm liền.

Á quân gọi tên Ngân hàng Techcombank (mã TCB), khi gặt hái được hơn 25.500 tỉ đồng (xấp xỉ 1,09 tỉ USD) lãi ròng trong năm vừa qua, tăng 10% so với năm liền trước, trở thành năm thứ 9 liên tiếp ngân hàng này có lợi nhuận đi lên. Dù vậy, so với những năm trước thì mức tăng trưởng của năm vừa qua rơi vào hàng thấp.

Bảng xếp hạng ngân hàng có lợi nhuận khủng không thể thiếu BIDV (mã BID). Trong năm vừa qua ngân hàng này thu được xấp xỉ 23.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 70% so với năm trước, đồng thời đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Kết quả kinh doanh của Ngân hàng MB (mã MBB) trong năm vừa qua cũng tích cực không kém, ghi nhận hơn 22.700 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm trước.

Trên đường đua lợi nhuận khủng, VPBank (mã VPB) cũng chạy sát nút với lãi ròng trước thuế cả năm vừa qua đạt hơn 21.200 tỉ đồng (+48%).

Song song đó, nhiều ngân hàng khác cũng mang về lợi nhuận trước thuế lớn, điển hình như VietinBank (20.500 tỉ đồng), ACB (17.100 tỉ đồng), VIB (10.500 tỉ đồng), TPBank (7.800 tỉ đồng), Sacombank (6.300 tỉ đồng), MSB (5.700 tỉ đồng), LietVietPostBank (5.600 tỉ đồng), OCB (5.000 tỉ đồng)…

Về ngành ngân hàng trong năm 2023, Chứng khoán VNDirect cho rằng “sóng gió vẫn tiếp diễn”.

Theo đó, việc Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh 200 điểm cơ bản lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng và lãi suất cho vay khó có thể theo kịp.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng. Ngoài ra, câu chuyện tăng vốn sẽ lại là một chủ đề đáng chú ý trong năm tới, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh.

Nhìn chung, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành này sẽ chậm lại và đạt 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 32% so với cùng kỳ năm 2022), khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Mặc dù giữ quan điểm thận trọng đối với ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2023, nhưng VNDirect cho rằng sang nửa cuối năm tình hình sẽ trở nên khả quan hơn khi rủi ro lãi suất và căng thẳng tỉ giá được dịu bớt, vấn đề căng thẳng thanh khoản cũng được giải quyết phần nào nhờ Chính phủ đẩy mạnh các gói đầu tư công.

Đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta cho biết ngành ngân hàng vẫn có triển vọng, tuy nhiên môi trường lãi suất cao vẫn là thách thức lớn cho tăng trưởng của ngành này, cùng với đó là rủi ro nợ xấu và tình hình thanh khoản của các doanh nghiệp.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : giao dịchngân hàng cổ phiếuthị trường

Các tin liên quan đến bài viết