Năm 2018, Việt Nam sẽ có khoảng 150 triệu thẻ ngân hàng. Khi ngân hàng bắt tay với công nghệ (fintech) thì thanh toán điện tử sẽ có thêm nhiều dịch vụ.
Phát biểu tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hiền Huy, phó tổng giám đốc, giám đốc điều hành ngành hàng Thiết bị Di động Công ty Điện tử Samsung Vina, cho biết thanh toán di động đang rất phổ biến và thịnh hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, sẽ là xu thế tất yếu.
Forrester Research Inc. ước tính rằng thanh toán di động sẽ vượt mức 142 tỉ USD vào năm 2019.
Còn theo một ước tính khác, tổng giá trị thanh toán qua ứng dụng di động (mCommerce) sẽ đạt mức 194 tỉ USD năm 2017 và 319 tỉ USD vào năm 2020.
Số lượng người dùng hình thức thanh toán di động ước tính là 1,476 tỉ người năm 2017 và sẽ tăng 47% vào năm 2019, trong đó khu vực Châu Á và châu Úc chiếm đa số.
Sau 6 tháng kể từ khi ra mắt tại Mỹ, Samsung Pay đã có 5 triệu người dùng đăng ký và giao dịch trên 500 triệu USD trên nền tảng này.
Hiện tại Samsung Pay đã được triển khai tại 19 thị trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Hiền, Samsung liên tục đánh giá các thị trường trên toàn thế giới để xem nơi nào sẽ là nơi tiếp theo có thể giới thiệu Samsung Pay.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tại Việt Nam, tính đến hết quý II/2017, tại Việt Nam có tổng cộng hơn 110 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành.
Dự kiến con số này sẽ lên tới 150 triệu thẻ vào năm 2018, chủ yếu tập trung vào người tiêu dùng trẻ.
Ở Việt Nam, vào năm 2013 nếu mới chỉ có 20% dân số dùng smartphone thì đến 2016 tỉ lệ này đã là 72%. Tính đến hết tháng 6-1017, cả nước có khoảng 48 triệu thuê bao di động Internet.
Và đấy chính là mãnh đất màu mỡ cho việc thanh toán điện tử phát triển.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, cho rằng từ đầu năm 2017 tới hết tháng 9/2017, thanh toán qua QR Code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR Code tăng lên tới gần 5.000 điểm.
Dự báo đến hết năm 2018 số lượng này là 50.000 điểm và hiện đã có tới 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code.
“Tuy nhiên, hiện vẫn có sự manh mún trong phát triển QR Code tại Việt Nam”, ông Lân nhận xét.
Theo bà Annie Zhang, đến từ Discover Financial Service, thời gian qua đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với Công ty NAPAS để triển khai nhiều công nghệ mới.
Hiện nay, bà cho rằng có nhiều xu hướng phát triển thanh toán trên di động và đang có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển.
Chẳng hạn như cơ sở hạ tầng ở những nền kinh tế đang và đã phát triển, con số điện thoại di động với hơn 600 triệu người dùng ở Đông Nam Á… là những yếu tố tốt để thúc đẩy tăng trưởng thanh toán trên điện thoại di động.
Ngoài ra, theo bà Zhang, yếu tố thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt còn nhờ vào sự thông thạo của người tiêu dùng, khi có điện thoại công nghệ mới thì họ tỏ ra rất hăm hở.
Một điểm nữa là người tiêu dùng ưu tiên tính nhanh nhạy và đó là sự khuyến khích cho các đơn vị cung cấp tích cực đưa sản phẩm ra thị trường.
“Điều quan trọng khác là phải làm thế nào để đảm bảo tính an toàn an ninh trong thanh toán trên điện thoại. Vì nếu xảy ra một trục trặc gì thì sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, niềm tin của họ…”, bà Zhang nhấn mạnh.
Nguồn: tuoitre.vn