Cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq đang đi đến thời điểm quyết định. Trong tình thế này lại nảy sinh những chuyện khó lường ở Syria.
Cuộc chiến chống IS ở Syria là một mặt trận đa dạng với nhiều thành phần, nhiều toan tính, trong đó dĩ nhiên Nga và Mỹ là những nhân tố chính mang tính quyết định hiện nay bởi tiềm lực quân sự mạnh.
Theo hãng tin Reuters, ngày 11-10, bộ Quốc phòng Nga lại lên tiếng tố cáo Mỹ để cho các tay súng IS tự do hoạt động “ngay trước mũi” binh sĩ Mỹ tại căn cứ al-Tanf, bên đường cao tốc chiến lược ở phía nam Syrian gần biên giới với Iraq và Jordan.
Tố cáo và phản bác
Cuộc tranh cãi có vẻ xảy ra đã vài ngày qua khi Nga cho rằng căn cứ al-Tanf là bất hợp pháp trong khi Mỹ xác nhận đó là căn cứ tạm để binh sĩ Mỹ huấn luyện cho các tay súng địa phương thuộc liên minh tham gia chống khủng bố IS.
Theo Reuters, trong tuyên bố ngày 11-10, thiếu tướng Igor Konashenkov – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, cho biết hiện có khoảng 600 tay súng IS đang hoạt động trong khu vực do quân đội Mỹ kiểm soát.
Phía Nga cho rằng các tay súng này được tự do hoạt động nhằm quấy phá đường cao tốc nối giữa Damascus và thành phố Deir al-Zor. Đường cao tốc này đang được sử dụng làm đường tiếp tế cho quân đội Syria vừa phản công lấy lại được Deir al-Zor.
Đương nhiên phía Mỹ tiếp tục phản bác cáo buộc từ Nga.
Trước đó, ngày 4-10, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã lên tiếng tố cáo Mỹ hỗ trợ khủng bố IS, giúp nhóm khủng bố này có thể tiến hành hàng loạt cuộc phản công tại miền Đông Syria.
Điều quan trọng nhất giúp IS chưa bị đánh bại hoàn toàn tại Syria không phải do khả năng quân sự của tổ chức này, mà là do sự ủng hộ và giúp đỡ từ phía Mỹ”
Thiếu tướng Igor Konashenkov – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga
Theo ông Konashenkov, nhiều vụ tấn công gần đây nhằm vào quân đội Chính phủ Syria đều “xuất phát từ khu vực bán kính 50km xung quanh cửa khẩu al-Tanf tại biên giới Syria-Jordan – nơi liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu có một căn cứ.
Phía Nga cho biết, quân đội Syria đã vô hiệu hóa nhiều nhóm tay súng IS hoạt động trên tuyến đường nối 2 thành phố Palmyra và Deir al-Zor ở miền Đông Syria, đồng thời giải phóng nhiều ngôi làng bị chiếm đóng tại khu vực này.
Ông Konashenkov khẳng định nếu Washington coi những hoạt động nói trên là “các vụ việc bất ngờ”, không quân Nga sẵn sàng xóa bỏ hoàn toàn “những vụ việc bất ngờ” tương tự tại khu vực do Mỹ kiểm soát.
Đây không phải lần đầu tiên Nga tố cáo Mỹ hỗ trợ IS. Tháng trước, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Franz Klintsevich nói rằng gần như chắc chắn 100% Mỹ đã sử dụng máy bay trực thăng để sơ tán hàng chục chỉ huy IS khỏi thành phố Deir al-Zor.
Trên tài khoản Facebook cá nhân, ông Klintsevich nêu rõ: “Dù cho ban tham mưu của cái gọi là liên quân chống khủng bố luôn cố gắng phủ nhận thông tin Mỹ sơ tán hơn 20 chỉ huy đầu sỏ của IS khỏi thành phố Deir al-Zour, nhưng lịch sử về những hành động của Mỹ, bao gồm tại Afghanistan, cho thấy điều này gần như chắc chắn 100% đã xảy ra. Là một người từng trải qua chiến tranh, tôi có thể khẳng định rằng Nga luôn cảm thấy sự tham gia trực tiếp của Mỹ ở bên cạnh các nhóm thánh chiến”.
Trước đó, một nguồn tin quân sự-ngoại giao của hãng tin Sputnik của Nga cho biết, hồi tháng 8-2017, không quân Mỹ đã sơ tán hơn 20 chỉ huy chiến trường của IS cùng các tay súng thân cận từ Deir al-Zor tới miền Bắc Syria. Nguồn tin này cũng lưu ý đây không phải là cuộc di tản đầu tiên. Tuy nhiên, liên quân quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu đã phủ nhận thông tin này.
Nga kêu gọi từ bỏ “tiêu chuẩn kép”
Đối với Nga, cuộc chiến chống khủng bố quốc tế hiện nay khá phức tạp do kiểu hành xử vì lợi ích quốc gia của các nước tham gia trong cuộc chiến này và kiểu hành xử nước lớn của khối các nước phương tây.
Tại Hội nghị lần thứ 16 lãnh đạo các cơ quan đặc nhiệm, an ninh và bảo vệ pháp luật diễn ra ở Krasnodar (Nga) vào ngày 4 và 5-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế từ bỏ chính sách “tiêu chuẩn kép” trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.
Trong bức thư chào mừng 116 đoàn đại biểu đến từ 74 quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga ủng hộ cách tiếp cận toàn diện chống chủ nghĩa khủng bố, phổ biến hệ tư tưởng khủng bố, cung cấp tài chính cho các nhóm vũ trang bất hợp pháp, ủng hộ từ bỏ chính sách “tiêu chuẩn kép” trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa chính của thời đại.
Ông Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các nghị quyết chính của Hội đồng Bảo an LHQ trong lĩnh vực này. Nhà lãnh đạo Nga chỉ rõ: những hoạt động chống khủng bố quyết liệt tại Syria và Iraq hiện chưa tiêu diệt được hoàn toàn cơ sở hạ tầng và tiềm năng chiến đấu của các tổ chức khủng bố bởi không có sự phối hợp thực sự giữa các quốc gia.
Điều đó đã giúp khủng bố thay đổi chiến thuật, bắt tay xây dựng những cơ sở cứ điểm mới tại các quốc gia và khu vực khác. Ông Putin lưu ý cần phải nhanh chóng phát hiện và vô hiệu hóa kịp thời những chiến binh đã trải qua huấn luyện tại những khu vực xung đột vũ trang và trở về nước tiếp tục thực hiện hoạt động khủng bố.
Nguồn: tuoitre.vn