Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak hôm 29/11 đã lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy nếu giá dầu thô của nước này bị các quốc gia phương Tây áp giá trần.

Hãng tin RT dẫn lời ông Novak nói rằng, nếu dầu thô của Nga bị áp giá trần thì có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và gián đoạn đầu tư trên thị trường năng lượng.

“Chúng tôi tái khẳng định lập trường của Moscow trong việc tuân thủ các cam kết đối với thị trường năng lượng trong thương mại quốc tế. Lập trường của chúng tôi với vấn đề này sẽ không thay đổi, tôi đã nhiều lần nói về việc này. Bất kể các quốc gia phương Tây có đưa ra mức giá nào đi nữa, cho dù đó là mức giá cao, thì điều này khó có thể chấp nhận về mặt nguyên tắc khi ký kết các hợp đồng”, ông Novak phát biểu tại diễn đàn kinh doanh được tổ chức ở Moscow, Nga hôm 29/11.

Các công nhân Nga làm việc tại giàn khoan dầu. 

“Mỹ và các quốc gia đồng minh phương Tây đang cố gắng áp vô số lệnh cấm lên ngành công nghiệp năng lượng Nga, ngăn chúng tôi tiếp cận với công nghệ mới và bóp nghẹt thương mại quốc tế của Nga. Những hành động như vậy sẽ dẫn tới các nguy cơ lớn về tình trạng thiếu hụt nguồn cung và gián đoạn đầu tư”, ông Novak nói thêm.

Phó Thủ tướng Nga nhận định, việc áp giá trần sẽ sớm xảy ra với “bất kỳ mặt hàng nào mà phương Tây có thể muốn áp đặt những quy tắc của họ trong tương lai”.

Trước đó vào hôm 24/11, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bị chia rẽ sâu sắc trong việc áp mức giá trần lên dầu thô Nga, khi có tới 6/27 quốc gia thành viên EU khi đó phản đối mức giá được Nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7) đề xuất.

Ba Lan, Lithuania và Estonia muốn EU áp mức giá 30 USD/thùng, do chi phí sản xuất dầu của Nga là 20 USD/thùng. Nếu EU thuận theo mức giá G7 đề xuất thì Moscow vẫn có thể thu về nhiều lợi nhuận.

Ngược lại, Cộng hòa Síp, Hy Lạp và Malta, những quốc gia có ngành vận tải biển phát triển tuyên bố rằng họ sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất nếu các chuyến tàu chở dầu của Nga bị cản trở. Do mức giá G7 đề xuất là quá thấp, nên ba nước này muốn nhận được bồi thường nếu chịu tổn thất kinh doanh hoặc cần có thêm thời gian để điều chỉnh mọi thứ.

Ukraine bắt quan chức thành phố Kherson vì hỗ trợ Nga

Hãng tin The Guardian cho biết, cơ quan an ninh Ukraine hôm 29/11 đã bắt giữ một quan chức trong Hội đồng thành phố Kherson vì tình nghi người này “đã hỗ trợ quân đội Nga kiểm soát nơi đây hồi tháng Ba”.

“Vị quan chức này bị tình nghi đã hợp tác với chính quyền thân Nga và điều hành các dịch vụ công cộng trong thời gian phía Moscow kiểm soát thành phố này. Nếu bị chứng minh là có tội, người này sẽ đối mặt với mức án 12 năm tù”, công tố viên thành phố Kherson cho hay.

Chính quyền Ukraine hiện vẫn từ chối công bố danh tính của vị quan chức thành phố Kherson bị nghi hợp tác với quân đội Nga.

NATO khẳng định cam kết với Ukraine

Theo Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, cánh cửa của khối quân sự này dành cho Ukraine luôn mở rộng.

“Nga không có quyền phủ quyết quốc gia nào gia nhập NATO hay không. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sớm chứng kiến việc Phần Lan và Thụy Điển là thành viên của khối quân sự NATO. Chúng tôi cũng ủng hộ tư cách thành viên dành cho Ukraine”, hãng tin NBC News dẫn lời ông Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp của Ngoại trưởng các nước thành viên NATO được tổ chức ở Bucharest, Romania hôm 29/11.

Chính quyền Nga đến nay chưa đưa ra bình luận về tuyên bố trên của ông Stoltenberg.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : NATONgaUkraine

Các tin liên quan đến bài viết