Giới quan sát đánh giá cuộc tập trận Zapad-2017 giữa Nga và Belarus là một cơ hội hiếm có để chứng kiến những bước phát triển của quân đội Nga, vào thời điểm thế giới diễn ra nhiều thay đổi lớn.

Nga bộc lộ sức mạnh quân sự trong tập trận Zapad - Ảnh 1.

Binh sĩ Nga phóng máy bay không người lái 

Cứ 4 năm một lần, cuộc tập trận chiến lược chung giữa quân đội Nga và Belarus luôn thu hút sự chú ý (và lo lắng) từ khối NATO.

Năm nay, các thành viên Đông Âu của NATO đứng ngồi không yên vì Zapad-2017 (theo tiếng Nga là Phương Tây-2017) mang ý nghĩa giả lập một cuộc chiến ở mặt trận châu Âu.

Bối cảnh cuộc tập trận đã thay đổi nhiều kể từ năm 2013. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vốn trước đó do Ukraine kiểm soát; Matxcơva ủng hộ phe ly khai miền đông Ukraine chiến đấu ngang ngửa với quân đội chính quyền Kiev… Do đó, “mối đe dọa Nga” phần nào bị một số thành viên NATO đẩy lên cao.

Viện lý do cuộc tập trận Zapad-2017 có ít hơn 13.000 binh sĩ tham gia, Nga chỉ cho phép một vài quan sát viên châu Âu theo dõi. Nhưng rõ ràng NATO không thể bỏ lỡ cơ hội quan sát nhất cử nhất động của các lực lượng Nga – Belarus bằng vệ tinh và máy bay trang bị rađa.

 Nhiều bài học từ Syria và Ukraine

Theo ông Jonathan Marcus – chuyên gia quân sự – ngoại giao của Đài BBC, quân đội Nga đang lột xác từ hình mẫu Hồng quân thời chiến tranh lạnh cũ kỹ thành một lực lượng hiện đại và linh động, đủ khả năng tiến hành các chiến dịch phối hợp thủy – bộ – không tương tự lực lượng NATO.

“Giới lãnh đạo quân đội Nga rất quan tâm đến lý thuyết quân sự, họ luôn thử nghiệm và diễn tập những cách tiếp cận mới trong chiến đấu. Những cuộc tập trận như Zapad-2017 tiết lộ năng lực thật sự của họ, đòi hỏi những người bên ngoài phải tỉnh táo quan sát” – ông Roger Mcdermott, chuyên gia phương Tây hàng đầu về quân sự Nga, bình luận về Zapad-2017.

Nga bộc lộ sức mạnh quân sự trong tập trận Zapad - Ảnh 2.

Trực thăng Mi-8 của quân đội Belarus thử lửa trong tập trận

Dù Nga giành chiến thắng dễ dàng trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi ở Gruzia năm 2008, nó vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu của họ, theo chuyên gia Igor Sutyagin thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh (RUSI) ở London.

Từ kinh nghiệm cũ, Zapad-2017 cũng là cơ hội để phương Tây nghiên cứu cách Nga áp dụng những bài học gần đây từ các chiến dịch ở Syria và Ukraine.

“Cả hai chiến dịch cho thấy đường lối phát triển chung quân đội Nga đang hướng tới” – ông Sutyagin nhận xét.

Vị chuyên gia đánh giá quá trình hiện đại hóa của quân đội Nga đã đi được quá nửa đường, với những thay đổi về mặt tổ chức gần như đã hoàn thành. Tuy nhiên, có một số chỉ dấu cho thấy họ đang bước lùi ở một số phương diện, chẳng hạn như việc quay lại thành lập các đơn vị quân đội lớn.

Ngoài ra, mối quan tâm lớn nhất của người Nga là xóa bỏ, hoặc tối thiểu thu hẹp khoảng cách công nghệ với quân đội phương Tây. Tuy đã đạt được một số bước chạy đà, mục tiêu này có hoàn thành hay không sẽ phụ thuộc vào ngân sách quốc phòng của Nga, vốn cũng teo tóp dần dưới sức ép cấm vận kinh tế.

Giá trị tuyên truyền của cuộc chiến tranh giả lập Zapad-2017 hết sức rõ ràng”

Báo The Daily Beast

Nga bộc lộ sức mạnh quân sự trong tập trận Zapad - Ảnh 4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin quan sát cuộc tập trận. Ông được cho là bỏ họp LHQ để đi quan sát tập trận

Năng lực ấn tượng

Về bản chất, cuộc tập trận chiến lược Nga – Belarus giả lập kịch bản phòng thủ chung của hai nước chống lại một cuộc tấn công từ bên ngoài. Zapad năm 2017 có nghĩa là mặt trận phía tây, những năm khác sẽ là mặt trận phía đông, Trung Á và Kavkaz.

Zapad-2017 khởi động nhiều tuần lễ trước khi chính thức bắt đầu hôm 14-9 (kết thúc hôm nay 20-9). Các đơn vị hậu cần lo trang thiết bị, không quân Belarus diễn tập với tiêm kích MiG-29, Yak-130 và Su-25…

Hải quân Nga điều động 50 tàu chiến từ các cảng phía bắc đến khu vực biên giới trên biển giáp với Na Uy. Hạm đội này bao gồm một số tàu ngầm và chiến hạm chạy năng lượng hạt nhân Peter Đại Đế – một trong những tàu chiến lớn nhất thế giới, dài hơn 252m.

Có thể kể một số hoạt động chính của Zapad: thực nghiệm máy bay không người lái (UAV) Orlan-10; triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300; tiêm kích Su-27, Su và Su-35 bay tuần tra; ít nhất 6 máy bay ném bom chiến lược Tu-22 của Nga giả lập một cuộc tấn công vào hạm đội trên biển Baltic…

Nga bộc lộ sức mạnh quân sự trong tập trận Zapad - Ảnh 5.

Một đơn vị quân đội được triển khai trong cuộc tập trận Zapad – 2017 

Và đáng chú ý nhất là màn trình diễn của tên lửa Iskander-M. Một đơn vị tên lửa này được phóng từ một bãi thử ở tây nam nước Nga nhắm vào mục tiêu ở Kazakhstan cách đó 480km.

Chuyên gia McDermott nhận định có hai thứ không thể xem nhẹ là năng lực chiến tranh điện tử (EW) và vũ khí chính xác của Nga. Từ cuộc tập trận hồi năm 2013, Matxcơva đã đề cao vai trò của loại vũ khí này như một công cụ gây sức ép lên kẻ thù.

Các loại tên lửa hành trình tầm xa, phóng đi từ máy bay và tàu chiến, được người Nga sử dụng lần đầu tiên trên thực địa trong cuộc xung đột ở Syria.

“Trong một tương lai gần, vũ khí chính xác sẽ là công cụ chính giúp Nga sở hữu cái gọi là khả năng ngăn chặn trước hạt nhân” – ông McDermott dự báo.

“Các tiến bộ kỹ thuật của Nga trong lĩnh vực EW cho phép họ làm nghẽn, gián đoạn hoặc nghe lén các kênh liên lạc, rađa, hệ thống cảm ứng và máy bay không người lái của NATO… Nó có thể khiến NATO mất đi lợi thế về công nghệ” – vị chuyên gia bổ sung.

Nga bộc lộ sức mạnh quân sự trong tập trận Zapad - Ảnh 6.

Dàn phóng rocket của Nga trong cuộc tập trận 

Nga bộc lộ sức mạnh quân sự trong tập trận Zapad - Ảnh 7.

Lính bộ binh tập trận cùng xe tăng

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : binh sĩđơn vịđơn vị anh hùngmáy bayNATONgaquân độitập trậnZapad

Các tin liên quan đến bài viết