Khối quân sự NATO gọi hành vi của Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống” trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ).
“Những tham vọng và hành vi quyết đoán của Trung Quốc tạo ra những thách thức có tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh”, tuyên bố chung 79 điểm của NATO, được hãng thông tấn Reuters trích dẫn, nêu rõ.
Tuyên bố cũng cáo buộc Bắc Kinh đã “nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình” và “không rõ ràng trong việc tiến hành hiện đại hóa quân đội”.
Lãnh đạo NATO chụp hình chung trước hội nghị thượng đỉnh ở Brussels hôm 14/6. |
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc duy trì các cam kết quốc tế và hành động có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế, bao gồm các môi trường trên không gian, trên mạng và trên biển, phù hợp với vai trò cường quốc của mình”, tuyên bố của NATO cho biết thêm.
Trước hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng kêu gọi thành lập một liên minh xuyên Thái Bình Dương để đối đầu với những thách thức từ sự trỗi dậy về kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc. Dù phủ nhận việc phương Tây và Trung Quốc đang bước vào một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, nhưng ông Stoltenberg cho rằng Bắc Kinh không cùng chung giá trị với 30 nước thành viên NATO.
“Trung Quốc không phải là đối thủ, không phải là kẻ thù của chúng ta. Nhưng chúng ta cần cùng nhau giải quyết những thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên tại trụ sở của NATO ở Brussels, trước thời điểm lãnh đạo các nước thành viên bắt đầu tới dự hội nghị thượng đỉnh.
“Trung Quốc đang theo sát chúng ta, không chỉ trên không gian mạng, ở châu Phi, mà họ còn đang đầu tư rất nhiều vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của chính chúng ta”, Tổng thư ký NATO cho biết thêm.
Cùng chung quan điểm, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết NATO không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc, nhưng cho rằng Bắc Kinh đang đặt ra những thách thức đối với liên minh quân sự này. “Tôi nghĩ mọi người đang thấy những thách thức từ Trung Quốc. Họ không chỉ nhìn ra những thứ mà chúng ta phải cùng nhau quản lý, mà họ còn thấy cơ hội từ chúng”, ông nói khi có mặt tại cuộc họp thượng đỉnh hôm 14/6.
Động thái trên diễn ra không lâu sau khi lãnh đạo khối các nước G7 lên án nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc, đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của dịch Covid-19 trong tuyên bố chung của mình. Đáp lại, phía Trung Quốc hôm 14/6 đã chỉ trích tuyên bố chung của G7, gọi đây là hành vi “can thiệp” vào vấn đề nội bộ của nước này.
nguồn: vietnamnet