Dự báo năm nay khu vực Bắc Bộ nắng nóng không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có khả năng sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt mức xấp xỉ 41-42 độ.
Sáng nay (4/6), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.
Dự báo xu thế thiên tai trong thời gian tới, ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên – Môi trường nhận định, từ tháng 6 năm nay, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo.
Ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn |
Theo ông Thái, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5-7 cơn).
Nửa đầu mùa bão, áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Vào thời kỳ nửa cuối mùa sẽ tập trung ở khu vực giữa và Nam Biển Đông, ảnh hưởng đến khu vực từ Bắc Trung Bộ trở vào phía Nam.
Ông Thái lưu ý việc đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trong năm 2021.
Đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất
Về nắng nóng, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có khả năng sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt mức xấp xỉ 41-42 độ.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã đến sớm và có khả năng kết thúc tương đương so với trung bình nhiều năm (cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021).
Trong 6 tháng cuối năm, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tháng 7 đến tháng 9 và tháng 10 đến tháng 12 ở Trung và Nam Trung Bộ.
Mưa lớn có khả năng tập trung trong các tháng 10 và 11 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ
Mùa khô năm 2020-2021, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020.
Trong mùa lũ năm 2021, đỉnh lũ năm trên các sông chính khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông ở Yên Bái, Ninh Bình, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.
Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức BĐ1-BĐ2. Thời kỳ xuất hiện các đợt lũ vừa và lũ lớn khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ có khả năng tập trung nhiều vào nửa cuối mùa lũ.
Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị tiếp tục có nguy cơ xảy ra do mưa lớn cục bộ trong các tháng mùa lũ.
Tại Việt Nam, năm 2020, có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới; 265 trận giông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long… Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại trên 39.962 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 53 trận động đất nhẹ; 105 trận mưa đá, giông lốc; 5 đợt không khí lạnh, gió mùa đông; 11 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 2 trận lũ ống, lũ quét và 21 vụ sạt lở bờ sông. Tính đến hết tháng 5/2021, thiên tai đã làm 21 người chết, 29 người bị thương, trên 4.300 nhà bị sập đổ, hư hỏng… Ước tính giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 119 tỷ đồng. |
Nguồn: vietnamnet