Chỉ còn lại chưa đến 20% thị lực, nhưng Nguyễn Tuấn Tú khiến bạn sẽ bất ngờ khi gặp nụ cười và nguồn năng lượng tích cực. Chàng tân cử nhân này vừa tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH RMIT Việt Nam.
Phần thưởng lớn nhất với tôi là biết rằng mình đang giúp tạo thêm nhiều cơ hội cho những sinh viên như tôi được bình đẳng tiếp cận giáo dục
NGUYỄN TUẤN TÚ
“Tôi thích những môn tự nhiên nên tự nhủ sẽ chọn theo học ngành công nghệ thông tin vì phù hợp với hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học, có lẽ tôi đã làm khó họ, chỉ vì hầu hết họ chưa từng đào tạo sinh viên khiếm thị như tôi. Lúc đó tôi liều nộp đơn vào Đại học RMIT Việt Nam để học dù hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng không dư dả” – Tú nhớ lại.
Tìm phương pháp học cho mình
Biết phải học hoàn toàn bằng tiếng Anh, Tú đã tự học trên mạng bằng cách xem phim hoạt hình với kênh tiếng Anh. Người bình thường học ngoại ngữ đã khó, với Tú quả là gian nan. “Tôi đã tự tìm ra phương pháp học. Tiếng Anh từng là môn tôi học ẹ nhất lại trở thành thế mạnh của tôi” – Tú chia sẻ. Ba năm cấp III, Tú đều là học sinh giỏi.
Thi xét trình độ tiếng Anh đầu vào Đại học RMIT, Tú đậu vào lớp 6/7. Kết quả xuất sắc sau hai khóa học đã thuyết phục được nhà trường cấp cho bạn suất học bổng toàn phần (trị giá khoảng 800 triệu đồng) vào cuối năm 2011.
Không thích lựa chọn an toàn
Nguyễn Tuấn Tú chọn học cử nhân hệ thống thông tin trong kinh doanh, ngành có nhiều môn học kết hợp giữa kỹ năng công nghệ thông tin và kiến thức kinh doanh.
“Mọi người nói làm việc với đồ thị và dữ liệu lớn, phân tích và xây dựng các hệ thống thông tin kinh doanh phức tạp – những thứ mà sinh viên không khiếm khuyết còn sợ. Đây chắc chắn không phải là lựa chọn an toàn với tôi, nhưng ngay từ đầu tôi đã không thích những lựa chọn an toàn” – Tú nói.
Cuối các môn học, trong khoa thường xét sinh viên có thành tích cao để làm mentor (hỗ trợ tư vấn cho sinh viên khóa sau). Tú là một trong những sinh viên được chọn ở nhiều môn học.
Cứ thế, mỗi tuần hai buổi ngồi tại thư viện, mặc chiếc áo xanh dành cho những sinh viên mentor, Tú gây sự chú ý, thậm chí là tò mò với đàn em, không chỉ bằng kiến thức vững, rộng để hướng dẫn sinh viên mà Tú còn nói chuyện có duyên, dí dỏm.
Cô Sienney Liu, giảng viên khoa kinh doanh & quản trị, có dịp dạy Tú trong lớp thống kê số liệu kinh doanh, chia sẻ: “Vì khiếm thị, Tú không thể sử dụng những tờ công thức mà chúng tôi phát ở các kỳ thi giữa và cuối kỳ. Do đó, Tú phải thật sự hiểu và nhớ hết tất cả công thức, đồng thời phải biết cách áp dụng chúng. Quyết tâm của Tú đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng tôi. Tú là tấm gương sáng, không chỉ cho sinh viên mà còn cho cả giảng viên”.
Tú vừa tốt nghiệp loại giỏi, đang là nhân viên tư vấn các vấn đề khuyết tật tại RMIT Việt Nam. Và Tú vẫn đang thử sức nộp hồ sơ xin việc làm ở gần chục công ty.
Hỗ trợ người khác
Nguyễn Tuấn Tú (phải) hỗ trợ sinh viên khiếm thị học tập
Tú rất năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa, là người luôn hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm học của bản thân cho những bạn bị khiếm thị. Tú còn tư vấn và hỗ trợ Đại học Sư phạm TP.HCM trong xây dựng và vận hành Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật hoặc Dịch vụ bình đẳng giáo dục.
Cô Carol Witney – quản lý dịch vụ bình đẳng giáo dục (ELS), bộ phận hỗ trợ sinh viên có nhu cầu học tập khác biệt – cho biết: “Tú đã đóng góp rất nhiều trong việc cải thiện trải nghiệm học tập của sinh viên. Tú tham gia nhiều sự kiện và dự án cùng ELS trong cũng như ngoài trường.
Tú thiết kế và thực hiện những buổi cung cấp thông tin dạy và học cho các bộ phận hỗ trợ sinh viên khác nhau trong trường. Tú cũng là gương mặt đại diện thường xuyên trong những chiến dịch nâng cao nhận thức về khuyết tật do ELS thực hiện”.
Nguồn: tuoitre.vn