Đã bước qua năm thứ 8, tôi không đón năm mới cả Tết Tây lẫn Tết Âm lịch nào ở Việt Nam, và cũng từng đó thời gian để trải nghiệm những thời khắc giao thừa đón năm mới khác nhau ở xứ sở này.
Ở Mỹ, Tết Tây là thời gian nhiều công sở đóng cửa 10 ngày trước đêm giao thừa, các cửa hàng thưa người qua lại. Đặc biệt, ở các “college town” (trường đại học lớn nằm ở thành phố nhỏ), sự đìu hiu càng rõ nét. Xe bus trường ngưng chạy, đường phố chẳng còn nhộn nhịp như trước.
Cộng thêm với cái lạnh lẽo mùa đông, tuyết rơi khắp chốn, khiến cho sinh viên quốc tế – nhất là các bạn mới sang học kỳ đầu tiên – nhớ nhà da diết.
Tết Tây của sinh viên ta
Với tôi, thời điểm Tết Âm lịch ít ra cũng có gia đình gọi điện hỏi han, mọi người chúc tụng, có bạn bè qua lại đông vui, hay ít nhất cũng bị bài tập kéo đến thúc thời hạn nộp. Rất nhiều trường đại học tổ chức vui Tết âm lịch cho sinh viên châu Á. Đại học Texas Tech (thành phố Lubbock, Texas) hàng năm còn tổ chức thêm gặp mặt đầu xuân cho các sinh viên Việt Nam đang học ở đây.
Còn Tết Tây thì có vẻ như “mạnh ai nấy lo”, nên khoảng thời gian gần một tháng từ khi kết thúc học kỳ mùa Thu đến khi bắt đầu học kỳ mùa Xuân sẽ khiến sinh viên Việt Nam du học “đau đầu”.
Nhiều sinh viên rủng rỉnh tiền bạc do làm thêm nhiều, hay gia đình có điều kiện chu cấp đã tranh thủ đặt vé máy bay về lại Việt Nam từ hồi mới sang học, hay đầu học kỳ, bởi giá vé sẽ mềm hơn.
Bạn nào may mắn có người thân, bạn bè ở thành phố hay tiểu bang khác thì sẽ áp dụng chính sách xin tài trợ tài chính để “thăm thú – trú đông”, cũng tiết kiệm được một khoản chi phí ăn uống, vui chơi.
Năm đầu tiên, cứ tưởng thành phố sẽ có lễ hội đếm ngược với pháo hoa, champagne như từng xem ở TV, tôi rất sốt sắng, rạo rực. Nhưng chạy xe lên trung tâm thành phố, không khí vắng lặng như tờ, không một bóng người trên các đường phố chính.
Rồi những năm tiếp theo, khi tôi lên nhà anh hàng xóm uống rượu vang vừa chơi game đón giao thừa, có khi thuê được phòng nằm trên cao của khách sạn Hilton ở thành phố Kansas (bang Kansas) với hy vọng sẽ xem được pháo hoa bắn từ sông Missouri giao giữa hai bang. Nhưng cuối cùng chỉ là vài tiếng đì đùng “gọi là”, được bắn từ nhà dân trong vài ba phút rồi ngưng.
Khi tôi thắc mắc, nhiều người bạn Mỹ bảo rằng họ thích ngày Quốc khánh 4-7 hơn, chi tiêu nhiều tiền cho pháo hoa và mua sắm. Còn giao thừa, do thời tiết lạnh và hầu hết ai cũng trở lại làm việc vào ngày mồng 2, họ phải đi ngủ sớm để giữ gìn sức khoẻ.
Năm ngoái, tôi phải đi ăn tối mừng giao thừa gấp gáp vì nhà hàng phải đóng cửa lúc 20h. Ngoài đường chỉ còn những tốp thanh niên kéo nhau đến các quán bar khuya để giải khuây, còn đầu hai màu tóc như tôi thì chỉ biết đưa gia đình về ngủ sớm lấy sức đi làm lại.
Năm nay là lần cuối cùng ăn Tết Tây “ké” trên đất Mỹ, nên tôi cũng quyết định đưa cả nhà đến thành phố Branson (tiểu bang Missouri) để xem các show hoành tráng diễn chào mừng năm mới với nhiều khách du lịch thập phương.
Có lẽ sau ngần ấy năm, tôi mới có cơ hội được đón tết Tây với người Mỹ xem vui ra sao!
Lễ hội “potluck” cho sinh viên Việt
Để tránh cho những bạn học được mang cả gia đình sang cùng như trường hợp của tôi, hoặc mới sang nhập học, hoặc ít có điều kiện tài chính hơn phải “gặm nhấm” nỗi cô đơn xứ người, tôi hay rủ rê mọi người tổ chức “lễ hội potluck” mừng năm mới cho các du học sinh Việt Nam xa quê hương.
Gọi là lễ hội, là “buffet” cho hoành tráng, chứ thực ra đó là bữa ăn cuối năm mà mỗi bạn ở từng miền đất khác nhau tự nấu một món đặc trưng vùng miền của mình, mang đến chia vui cùng mọi người.
Nhiều sinh viên nam chưa bao giờ cầm đũa đứng bếp đành chạy ra chợ mua đồ có sẵn, hoặc mua nguyên vật liệu rồi tải công thức, cách chế biến từ mạng Internet rồi mang đến nhờ các bạn nữ nấu giúp.
Nguồn: tuoitre.vn