Năm 2018, năng lực dự báo, cảnh báo bão sẽ cải thiện theo hướng khi bão xuất hiện có thể dự báo được tới 5 ngày sau thay vì chỉ dự báo được 3 ngày như trước đây.
Năm 2018, khi có bão, năng lực dự báo, cảnh báo được cải thiện về thời gian dự báo dài tời 5 ngày thay vì chỉ được 3 ngày như trước đây. Trong ảnh, bão số 10 năm 2017 đã gây thiệt hại nặng nề tại Hà Tĩnh – Ảnh: XUÂN LONG
Chiều 12-4, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I-2018 của Bộ Tài nguyên – môi trường, ông Trần Hồng Thái, phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, khẳng định “năm 2018 năng lực dự báo, cảnh báo bão có thay đổi đáng kể”.
“Điểm nổi bật trong công tác dự báo, cảnh báo bão từ năm 2018 là việc cảnh báo sớm. Việc dự báo đã nâng được thời hạn dự báo, cảnh báo bão sớm đến 5 ngày thay vì 3 ngày như trước đây.
Ví như trước đây khi xuất hiện bão thì chỉ có thể dự báo được 3 ngày sau, còn bây giờ khi có bão có thể dự báo dài tới 5 ngày.
Tương tự, với áp thấp nhiệt đới, có thể dự báo dài tới 3 ngày thay vì chỉ dự báo ngắn 1 ngày như trước đây”, ông Thái cho hay.
Về số lượng cơn áp thấp nhiệt đới, bão ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm 2018, ông Thái cho biết năm 2018 dự báo có khoảng 12-13 cơn áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Dù có tiến bộ trong dự báo bão, ông Thái cũng thừa nhận, công tác dự báo, cảnh báo cường độ bão và mưa hiện còn nhiều hạn chế.
“Dự báo cường độ bão và mưa lớn là hai vấn đề khó chung với cả những nước có công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Việt Nam cũng gặp khó khăn như vậy, đặc biệt là dự báo mưa vì hiện nay mạng lưới quan trắc của chúng ta còn rất thưa.
Việt Nam cũng đã tiệm cận với những công nghệ hiện đại như viễn thám, tuy nhiên mạng lưới quan trắc còn rất ít, chỉ bằng 30% so với thế giới nên việc dự báo còn khó khăn”, ông Thái nói.
Về dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ông Thái cho biết các bản đồ phân vùng lũ ống, lũ quét bàn giao cho các tỉnh có tỉ lệ rất lớn 1/100.000, vì vậy, chưa chi tiết hoá được các vị trí cụ thể có nguy cơ lũ ống, lũ quét.
Theo thứ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường Trần Quý Kiên, trong hai năm vừa qua đã có những nghiên cứu bản đồ phân vùng lũ ống, lũ quét cho một số vùng trọng điểm ở phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Có nơi đã làm đến bản đồ chi tiết tỉ lệ 1/25.000, thậm chí chi tiết đến 1/10.000.
Dự kiến cuối tháng 4-2018 bộ sẽ bàn giao bản đồ này cho một số tỉnh Tây Bắc và một số tỉnh miền Trung để kịp thời phòng chống lũ ống, lũ quét.
Bãi bỏ 99 điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực TN-MT
Tại cuộc họp báo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ pháp chế, cho biết Bộ Tài nguyên-môi trường đã đề xuất bãi bỏ, tinh giản 99 điều kiện đầu tư kinh doanh khi sửa đổi nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường.
“Đầu năm 2018, Chính phủ ban hành nghị quyết 01, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu rà soát, bãi bỏ, đơn giản hoá trên 50% các điều kiện đầu tư kinh doanh. Vì vậy, trong sửa đổi nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên-môi trường, bộ đã rà soát, cát giảm tối đa những điều kiện không cần thiết” – ông Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, hiện việc sửa đổi nghị định này đang trong giai đoạn dự thảo, lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và Phòng thương mại công nghiệp VN.
“Đến thời điểm này, trong dự thảo mới nhất của nghị định sửa đổi, chúng tôi đã đề xuất bãi bỏ, tinh giản 99/163 điều kiện đầu tư kinh doanh, chiếm khoảng 60% các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên môi trường” – ông Hùng nói.
Trong 99 điều kiện đầu tư kinh doanh đề xuất bãi bỏ, tinh giản, ông Hùng cho biết có 69 điều kiện được đề xuất bãi bỏ, 30 điều kiện được đề xuất tinh giản. “Đi kèm với đề xuất bãi bỏ, tinh giản 99 điều kiện là bãi bỏ 10 thủ tục hành chính tương ứng với các điều kiện đầu tư kinh doanh bị bãi bỏ” – ông Hùng nói.
Về lộ trình, ông Hùng cho biết sau lấy kiến, bộ Tài nguyên-môi trường sẽ hoàn thiện, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6-2018.
Nguồn: tuoitre.vn