Quốc hội Israel hôm 13/6 vừa qua đã chính thức bỏ phiếu bổ nhiệm chính phủ mới do tân Thủ tướng Naftali Bennett đứng đầu, với tỷ lệ sít sao 60 phiếu thuận và 50 phiếu chống.
Chiến thắng của ông Bennett đã chấm dứt 12 năm cầm quyền của ông Benjamin Netanyahu, người giữ chức Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Israel. Chính phủ mới của ông Bennett còn phá vỡ thế bế tắc chính trị kéo dài suốt 4 năm qua, và mở ra một liên minh cầm quyền đa dạng chưa từng thấy tại Israel, trong đó có sự tham gia lần đầu từ các chính đảng người Ảrập.
Phát biểu trước Quốc hội Israel (Knesset) sau cuộc bỏ phiếu, ông Bennett, 49 tuổi, khẳng định chính phủ liên minh “đại diện cho toàn thể người dân Israel”. “Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau để hàn gắn những rạn nứt ở quốc gia này, và ngay lập tức đưa đất nước hoạt động bình thường trở lại sau một thời gian dài tê bị liệt”, tân Thủ tướng Israel tuyên bố.
Tân thủ tướng Israel Naftali Bennett. |
Từ đại gia công nghệ trở thành chính khách
Naftali Bennett sinh ngày 25/3/1974 tại Haifa, Israel. Là con út trong một gia đình có bố và mẹ là người Israel nhưng sinh trưởng và định cư ở San Francisco (Mỹ), nên ông đã có dịp được theo chân gia đình đi lại giữa hai quốc gia từ khi còn rất nhỏ.
Ban đầu, Bennett đi theo con đường binh nghiệp khi được tuyển vào Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) năm 1990. Ông phục vụ trong các đơn vị biệt kích của IDF trong 6 năm, và từng chỉ huy một số chiến dịch lớn của các lực lượng này ở khu vực biên giới Israel-Lebanon.
Sau khi giải ngũ, Bennett tốt nghiệp ngành luật của trường Đại học Hebrew, rồi chuyển đến sống tại Mỹ và bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Năm 1999, ông trở thành người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Cyota, công ty chuyên sản xuất các phần mềm chống gian lận. Đến năm 2005, Bennett bán lại Cyota cho công ty RSA Security với giá trị lên tới 145 triệu USD, đưa ông trở thành một triệu phú.
Ông Naftali Bennett khi còn giữ chức Giám đốc điều hành Cyota. |
Năm 2006, Bennett rời nước Mỹ, quay trở lại Israel và chính thức bước chân vào con đường chính trị. Ông chia sẻ những trải nghiệm cay đắng từ cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hezbollah của Lebanon đã trở thành động lực thôi thúc ông dấn thân vào sự nghiệp mới này. Ban đầu, Bennett cùng tham gia vào liên mình của ông Benjamin Netanyahu. Ông giữ chức Chánh văn phòng của ông Netanyahu trong vòng 2 năm, nhưng sau đó đã từ chức do nảy sinh nhiều quan điểm bất đồng.
Năm 2010, Bennett trở thành Chủ tịch Hội đồng Yesha, tổ chức vận động hành lang cho những người Do Thái định cư ở Bờ Tây. Tuy nhiên, ông chỉ thực sự gây dấu ấn trên chính trường Israel vào năm 2012, khi giành quyền lãnh đạo đảng cực hữu Ngôi nhà của người Do Thái, và trúng cử vào Knesset với tư cách nghị sĩ của đảng này vào năm 2013.
Ông Naftali Bennett trong buổi họp báo sai khi giành chức Chủ tịch đảng Ngôi nhà của người Do Thái năm 2013. |
Năm 2018, ông đổi tên đảng Ngôi nhà của người Do Thái thành đảng Yamina và tham gia vào liên minh các chính đảng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, tồn tại trong một thời gian ngắn. Đến tháng 5 năm ngoái, đảng Yamina đã không còn được mời tham gia chính phủ đoàn kết của ông Netanyahu. Động thái này được xem là biểu hiện của những rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai chính trị gia.
Nhân vật đối lập với ông Netanyahu
Dù từng là trợ lý cấp cao của ông Benjamin Netanyahu và có cùng quan điểm với người tiền nhiệm đối với nhiều vấn đề tại khu vực Trung Đông, song mối quan hệ giữa hai ông Bennett và Netanyahu đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong những năm qua.
Ông Bennett từng chỉ trích dữ dội Thủ tướng Netanyahu, sau khi nhà lãnh đạo Israel chấp nhận ngưng việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái dưới sức ép của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người từng nỗ lực khôi phục tiến trình hòa bình với Palestine.
Ông Naftali Bennett và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu năm 2013. |
Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 3, Naftali Bennett ra tranh cử với cùng quan điểm thiên hữu với Thủ tướng Netanyahu. Ông thậm chí còn tuyên bố trên truyền hình rằng sẽ không bao giờ cho phép Yair Lapid, lãnh đạo đảng Yesh Atid đối lập và là đối thủ chính của ông Netanyahu, trở thành Thủ tướng Israel.
Nhưng khi nhận thấy ông Benjamin Netanyahu không thể thành lập một liên minh cầm quyền, ông Bennett đã đổi ý, chấp nhận chia sẻ quyền lực với Yair Lapid, người được cho là kiến trúc sư của liên minh cầm quyền mới ở Israel. Những người ủng hộ ông Netanyahu đã xem Naftali Bennett như một “kẻ phản bội”, lừa dối cử tri của chính mình. Tuy nhiên, tân Thủ tướng Israel vẫn bảo vệ quyết định này, và cho rằng đây là một động thái cần thiết nhằm thống nhất Israel và tránh để đất nước rơi vào cuộc tổng tuyển cử lần thứ 5.
‘Thế hệ lãnh đạo 3.0’ của Israel
Giới phân tích cho rằng, bằng cách phá vỡ những cam kết khi tranh cử và tham gia vào một liên minh nhằm hạ bệ ông Netanyahu, ông Bennett có thể tranh thủ được sự ủng hộ mang tính lâu dài.
Naftali Bennett và lãnh đạo đảng Yesh Atid Yair Lapid. |
Anshel Pfeffer, cây viết của tờ báo Haaretz, đã gọi Naftali Bennett thuộc “thế hệ lãnh đạo 3.0” của Israel, sau thế hệ lãnh đạo thuộc thời kỳ đầu và thế hệ thuộc thời kỳ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. “Ông ấy là một nhà lãnh đạo cánh hữu, có quan điểm cứng rắn về vấn đề an ninh, nhưng đồng thời cũng rất thực tiễn”, Yohanan Plesner, người đứng đầu Viện Dân chủ Israel, cho biết.
Là một người đã biết về Naftali Bennett suốt nhiều thập kỷ và ở cùng đơn vị khi còn trong quân ngũ, ông Plesner hy vọng tân Thủ tướng Bennett sẽ có thể hợp tác với nhiều chính đảng, để đạt được tiếng nói chung trong quá trình tìm kiếm sự ủng hộ tính hợp pháp của ông trong vai trò nhà lãnh đạo mới của Israel.
Nguồn: vietnamnet