Những người buôn bán, vận chuyển ma túy đã bất chấp và sẵn sàng bắn cả vào chính những đồng bào Mông. Thậm chí họ giết cả người thân của mình.
Nã đạn vào tình thân
Ông Sùng A Thào (người Mông, trưởng Công an xã Lóng Luông) có 20 năm trong việc tìm hiểu và theo dõi tội phạm ma túy ở Lóng Luông, kể lại những lần bị nguy hiểm khi đi làm nhiệm vụ

Trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy ở Hòa Bình và Sơn La, sự hi sinh mất mát không chỉ trong lực lượng cảnh sát.

Giết vợ, giết con
Trong vụ án vây bắt Vàng A Khua, người con trai của ông Khua là Vàng A Của, vốn là một giáo viên đang dạy học tại Hang Kia (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), có mặt trong ngôi nhà ở Hang Kia. Ông Của là người cuối cùng trong gia đình nghe tiếng loa vận động của lực lượng cảnh sát mà mở cửa nhà chạy ra ngoài về phía lực lượng công an. Lúc đó ông Của có thể nghĩ rằng chạy ra ngoài để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình, rằng việc làm của cha mình sai rồi và việc chống lại lực lượng chức năng cũng sai theo. Có lẽ chắc chẳng bao giờ ông Của nghĩ rằng khi ông vừa bước chân ra khỏi ngôi nhà chưa đầy 3m thì loạt đạn từ trong nhà vang lên. Chỉ sau vài viên đạn, ông Của gục xuống. Và nghiệt ngã “tác giả” loạt đạn đó chính là cha của ông. Tiếng súng của Vàng A Khua xả ra phía cửa phụ bên phải của ngôi nhà. Tiếp theo sau ông Của là thiếu úy Sùng A Trư. A Trư là một cảnh sát người dân tộc Mông, có cùng tiếng nói, chữ viết và am hiểu phong tục tập quán của người Mông hơn bất kể một chiến sĩ công an nào của huyện Mai Châu. Và không chỉ Vàng A Khua mới nã súng vào con mình. Ở Hang Kia cũng từng xảy ra một vụ đối tượng bị truy nã đã nã súng vào chính vợ mình để tìm cách thoát thân. Đó là vụ bắt Sùng A Trang, đối tượng bị truy nã vì buôn bán ma túy ở Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Khi tổ công tác vào nhà của Sùng A Trang thì gặp vợ của Trang ở bếp nên tổ công tác bảo với vợ Trang thuyết phục Trang ra đầu thú. Vợ Trang lặng lẽ gật đầu và đi lên nhà trên. Tổ công tác có hai người tưởng là vợ Trang đồng ý để dẫn lên nhà trên nói chuyện với Trang. “Nhưng vừa lên tới nơi thì Trang dùng súng bắn chết vợ mình. Mấy anh em trong tổ công tác kịp xông vào khống chế tước súng và bắt giữ A Trang” – ông Lù Cường, điều tra viên Công an tỉnh Sơn La, kể. Thế nhưng sau khi A Trang bị bắt, vợ chết, những người họ hàng của gia đình A Trang bắt đầu tụ tập đông người tại nhà A Trang, bao vây lực lượng công an. Họ không cho khám nghiệm hiện trường, họ nói với nhau rằng công an bắn chết họ hàng của họ. Thậm chí họ hàng của Sùng A Trang còn xông vào đập phá bốn chiếc xe của lực lượng công an. “Tình thế lúc ấy khó khăn lắm, sau khi đưa Sùng A Trang đi lấy lời khai rồi, lại phải để Trang xác nhận rằng chính nó dùng súng bắn chết vợ chứ không phải công an” – ông Cường nhớ lại.

Nã đạn vào tình thân
Thung lũng Hang Kia 

Bắn xối xả

Ông Sùng A Thào (người Mông, trưởng Công an xã Lóng Luông) đã nhiều lần đi thuyết phục, vận động người bị truy nã về án ma túy ra đầu thú. Đồng thời, ông là người đưa lực lượng công an đi bắt nhiều đối tượng trốn truy nã ở Lóng Luông. Cũng qua đó, ông Thào nhiều lần chứng kiến những tình huống nguy hiểm. Ông là người địa phương, quen tên biết mặt hết mọi người trong bản nhưng khi bị bắt, các đối tượng bị truy nã cũng nã súng vào ông.Một lần vào năm 2004, ông Thào cùng công an Hà Nội vào bản Tà Dê (xã Lóng Luông) để bắt một người bị truy nã tên là Sùng A Da (sinh năm 1957).Nhóm đi có sáu người, trong đó có hai công an xã. Vào tới nơi, ông Thào nói với ông Da bằng tiếng Mông là có ma túy thì bỏ ra đi, nếu để cán bộ vào nhà tìm thấy thì tội nặng lắm. Ông Da gật đầu đồng ý với ông Thào là sẽ mang ma túy ra nộp. Ông Da vào trong nhà, cầm ra một bánh heroin giao nộp rồi bảo hết rồi. Tuy nhiên, các cán bộ công an không tin, vào nhà xét tiếp thì thu được thêm 29 bánh heroin giấu ở trong thùng gạo cùng một khẩu súng và hai quả lựu đạn. Tìm thấy ma túy, nhóm công tác mới khóa tay Sùng A Da để dẫn bộ ra trụ sở xã. Còn hai người thì khiêng thùng đựng 30 bánh heroin. Lúc đầu ông Da đi theo công an, nhưng đi bộ ra khỏi nhà được 200m thì gặp người nhà bảo đừng đi, thế là ông Da không đi nữa. “Lúc ấy, tôi nhìn thấy một xe ô tô nên muốn trưng dụng để chở ông A Da và vật chứng ra ngoài, nhưng người lái xe không chịu. Vừa thuyết phục vừa đe dọa thì anh ta mới chở đi. Lúc ấy vợ ông Da cũng đi theo, vất vả lắm mới đưa được ông Da lên ôtô, cho cả vợ ông Da đi luôn” – ông Thào kể. Nhưng xe vừa chạy được một đoạn thì nghe tiếng súng nổ xối xả. Súng nổ rát, bánh chiếc xe bị thủng, những người ngồi trên thùng xe chúi dụi vào nhau. Ông Thào ở trên xe chỉ biết thúc lái xe đi thật nhanh ra khỏi bản vì bên ngoài có công an huyện đón. “Đó là vụ đầu tiên tôi đi bắt người phạm tội ma túy. May mà chuyến ấy không bị thương gì. Sau này nhiều chuyến đi bắt cũng bị bắn như thế. Nhưng chắc do tôi may mắn nên cái đạn nó tránh tôi ra, tôi không bị làm sao cả” – ông Thào nói.

Dọa đánh gãy chân, cắt gân

Ông Sùng A Chênh, phó chánh văn phòng Huyện ủy Mai Châu (Hòa Bình), lớn lên ở xã Pà Cò, nơi đồng bào từng trồng cây thuốc phiện như một thứ cây chủ lực, vừa để lấy nhựa để bán, vừa sử dụng. Ông vẫn chưa quên hình ảnh những nương thuốc phiện bám trên vách núi đá với màu hoa rực rỡ: “Hồi đó nhà nào cũng có một ống đựng hạt để ở bếp. Đến vụ đem gieo, một nương thuốc phiện cho thu nhập nhiều hơn một nương ngô, người già có thuốc để dùng. Nhưng tác hại của thuốc phiện lớn, năm 1990 Nhà nước vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện. Nhà mình làm đầu tiên”. Khi đó cha ông Chênh là Sùng A Chếnh trong nhóm những người địa phương tích cực hỗ trợ chính quyền vận động người dân ở Pà Cò bỏ cây thuốc phiện. Đang trồng và có thu nhập, giờ bỏ đi, phải sống chỉ bằng những cây lương thực thông thường, họ không chịu. Do đó không trồng thuốc phiện gần nhà, một số người lại mang thuốc phiện ra trồng ở những nương thật xa. Ông Chếnh cùng cán bộ chính quyền đi vận động để người dân tự nhổ bỏ, không tự nhổ bỏ được thì đoàn công tác đi nhổ bỏ. Nhiều người Mông ở Pà Cò giận ông Chếnh lắm. Nhiều người còn dọa đánh gãy chân, cắt gân chân ông Chếnh cho khỏi leo núi giúp cán bộ nhổ cây thuốc phiện. Nhưng ông Chếnh lên nương trồng cây lương thực, tiếp tục vận động người dân, “cuộc chiến” kéo dài rất nhiều năm.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : công anHang Kiama túyngười thânthuốc phiệnxã Lóng Luông

Các tin liên quan đến bài viết