Hôm nay (27.2), cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ bắt đầu diễn ra tại Hà Nội. Theo AP, cuộc gặp này không chỉ xoay quanh Mỹ, Triều Tiên và chương trình tên lửa hạt nhân của nước này mà còn liên quan tới lợi ích của rất nhiều quốc gia khác trong khu vực.

TRIỀU TIÊN

Nếu lập trường của Mỹ là rất rõ ràng: phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, rất khó để có thể biết được nhà lãnh đạo Kim Jong-un có từ bỏ “thanh kiếm báu” của nước này hay không.

Theo AP, khác với ông nội và cha, ông Kim Jong-un đang lãnh đạo đất nước theo một hướng ít nhiều khác biệt. Cụ thể, song song với việc xây dựng kho hạt nhân, tăng cường quân đội, an ninh, nhà lãnh đạo trẻ đang cố gắng cải thiện nền kinh tế, đời sống của người dân Triều Tiên.

my,trieu,trung quoc, nhat ban, han muon gi o thuong dinh tai ha noi? hinh anh 1

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) vẫy chào sau khi tới ga Đồng Đăng ở Lạng Sơn hôm 26.2. Ngoài cùng bên phải là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Ảnh: Reuters.

Để làm được vậy, ông cần phải tìm cách nới lỏng các lệnh cấm vận đang siết chặt mọi mặt của nền kinh tế để theo đuổi các dự án chung với Triều Tiên, bao gồm mở lại các khu công nghiệp chung và một điểm nghỉ dưỡng từng giúp chính phủ thu về 150 triệu USD tiền mặt mỗi năm.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng đang nỗ lực thúc đẩy một tuyên bố hòa bình nhằm chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Theo AP, Triều Tiên có thể coi việc tuyên bố hòa bình là bước đầu trong quá trình đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi Hàn Quốc, giúp tạo ra điều kiện lý tưởng để hai miền theo đuổi giấc mơ thống nhất.

Chính vì thế, trên các bàn đàm phán, Triều Tiên đã nhiều lần khẳng định rằng “phi hạt nhân hóa” phải diễn ra cùng một lúc ở hai miền và nước này sẽ không dễ dàng từ bỏ “tấm khiên hạt nhân” của mình nếu không nhận được nhượng bộ có ý nghĩa từ phía Mỹ và Hàn Quốc.

MỸ

my,trieu,trung quoc, nhat ban, han muon gi o thuong dinh tai ha noi? hinh anh 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump bước lên chiếc Air Force One tại Căn cứ Không quân Andrews để bắt đầu hành trình tới Việt Nam. Ảnh: AP.

Theo AP, tại thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội lần này, Tổng thống Donald Trump sẽ buộc phải đạt được một kết quả có ý nghĩa thực tiễn hơn chứ không chỉ dừng lại ở các tuyên bố chung như khi ở Singapore vào năm ngoái.

Do đó, rất có thể phía Mỹ sẽ tập trung vào vấn đề “phi hạt nhân hóa” mà cụ thể hơn là đạt được một thỏa thuận về lộ trình dỡ bỏ các cơ sở làm giàu nguyên liệu hạt nhân plutonium và uranium của Triều Tiên.

Để đạt được mục tiêu này, ông Trump sẽ muốn ông Kim chính thức cho phép các chuyên gia quốc tế tới Triều Tiên, đồng thời cung cấp danh sách các cơ sở, trang thiết bị, nguyên vật liệu liên quan tới tên lửa đạn đạo và hạt nhân để đảm bảo việc phi hạt nhân hóa sẽ “không thể đảo ngược”. Tuy nhiên, theo AP, không ai dám chắc rằng cả hai bên sẽ đạt được điều này tại cuộc gặp ở Hà Nội.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng muốn Bình Nhưỡng trao trả lại toàn bộ các hài cốt của binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên cũng như thúc đẩy tiến trình hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.

HÀN QUỐC

my,trieu,trung quoc, nhat ban, han muon gi o thuong dinh tai ha noi? hinh anh 3

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Getty.

Trong quá trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, Hàn Quốc luôn ưu tiên việc ổn định hóa quan hệ song phương với Triều Tiên. Seoul mong đợi rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 sẽ tạo ra cơ hội để nước này khởi động lại các dự án kinh tế liên Triều vốn đã bị đình trệ do các lệnh cấm vận được Washington phát động nhằm vào Bình Nhưỡng.

Theo AP, trong một cuộc điện đàm gần đây với người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Moon Jae-in đã chia sẻ rằng Seoul sẵn sàng tái khởi động các dự án kinh tế chung với Bình Nhưỡng và đề nghị ông Trump cân nhắc đề xuất việc này với nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi gặp gỡ tại Hà Nội.

TRUNG QUỐC

Với Trung Quốc, mối lo ngại bất ổn định trên bán đảo Triều Tiên có tầm quan trọng hơn kho vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng sở hữu.

my,trieu,trung quoc, nhat ban, han muon gi o thuong dinh tai ha noi? hinh anh 4

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh vào ngày 7-8.5. Ảnh: Xinhua.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang là quốc gia hỗ trợ tài chính, tài nguyên chủ chốt của Triều Tiên. Vì vậy, Bắc Kinh đương nhiên sẽ ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào nhằm nới lỏng cấm vấn đối với Bình Nhưỡng.

Cũng theo AP, để bảo toàn lợi ích của mình, chính phủ Trung Quốc đã thường xuyên giữ liên lạc với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, chào đón 3 lần viếng thăm của người đứng đầu Triều Tiên ngay khi thông tin về các vòng đàm phán Mỹ – Triều đầu tiên được công bố vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình còn trực tiếp gặp gỡ không chính thức ông Kim tại thành phố cảng Đại Liên ở miền đông bắc Trung Quốc – động thái được Mỹ nhận định là để “can thiệp” tình hình trước thềm thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Singapore.

Tuy nhiên, theo AP, cuộc gặp giữa ông Tập và ông Kim có thể được nhìn nhận như là nỗ lực nhằm Triều Tiên giúp điều hướng quá trình đàm phán, đảm bảo vị thế “người trung gian chủ chốt” trong khu vực.

NHẬT BẢN

my,trieu,trung quoc, nhat ban, han muon gi o thuong dinh tai ha noi? hinh anh 5

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng bày tỏ mong muốn được gặp gỡ trực tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: Getty.

Trong khi các quốc gia trong khu vực quan tâm tới vấn đề phi hạt nhân hóa, Nhật Bản – đồng minh “ruột” của Mỹ tại châu Á – lại quan tâm tới những công dân của nước này bị Triều Tiên bắt cóc nhiều thập kỷ trước. Ngoài ra, việc Nhật Bản luôn nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên cũng khiến Tokyo “đau đầu” trong nhiều năm liền.

Theo AP, khi hướng về Hà Nội, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe hi vọng rằng Tổng thống Donald Trump sẽ không “bỏ quên” lợi ích của người đồng minh châu Á số một.

Theo Dân việt

Từ khóa : Donald TrumpHà NộiKim Jong UnMỹthượng đỉnhthượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà NộiThượng đỉnh Trump-KimTriều Tiên

Các tin liên quan đến bài viết