Sự thiếu hụt chip bán dẫn trên toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô. Các nhà sản xuất ô tô như Ford, Renault và Stellantis cảnh báo rằng sản lượng quý 2 sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn tiếp tục diễn ra trên toàn thế giới, các nhà sản xuất ô tô đã cảnh báo rằng tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng sản xuất và doanh thu trong những tháng tới.
Mỹ yêu cầu Đài Loan ưu tiên chip bán dẫn cho các hãng xe |
Trong báo cáo kết quả kinh doanh Q1/2021 vừa qua, nhà sản xuất ô tô Renault của Pháp đã xác nhận rằng sự thiếu hụt chip bán dẫn là một vấn đề lớn đối với họ.
Một tuần sau, đến lượt nhà sản xuất ô tô Ford của Mỹ cho biết dự kiến sẽ giảm một nửa sản lượng ô tô trong quý 2 này do tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn.
Và mới đây nhất, vào ngày 5/5, Giám đốc Tài chính của nhà sản xuất ô tô Stellantis có trụ sở tại Hà Lan, ông Richard Palmer đã đưa ra cảnh báo rằng, “sẽ là thiếu thận trọng nếu cho rằng vấn đề thiếu hụt chip bán dẫn sẽ biến mất”.
Sự thiếu hụt chip bán dẫn bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 khi các nhà sản xuất ô tô trên thế giới hủy bỏ các đơn đặt hàng chip bán dẫn do nhu cầu mua xe mới của người tiêu dùng giảm mạnh.
Cùng với đó là các đợt hạn hán ở Đài Loan và vụ hỏa hoạn xảy ra tại một trong những nhà máy sản xuất chip bán dẫn cho ô tô lớn nhất Nhật Bản, Renesas cũng như nhu cầu về điện tử tiêu dùng tăng mạnh đã làm tăng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn chip bán dẫn.
Bên cạnh đó, một bất lợi cho ngành công nghiệp ô tô là những con chip bán dẫn được sử dụng trong ngành này là loại chip được sản xuất bằng các tiến trình công nghệ cũ nên có rất ít dung lượng dự phòng để đáp ứng nhu cầu của nó.
Trong khi đó, các công ty hàng đầu trong ngành bán dẫn như Intel của Mỹ và TSMC của Đài Loan đều nói rằng họ không thể tăng công suất trước năm 2023.
Một số nhà sản xuất ô tô và các thành viên của Quốc hội Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden viện dẫn Đạo luật sản xuất cho quốc phòng (DPA) để giúp ngành công nghiệp ô tô.
Cả chính quyền hiện tại và trước đây đều đã viện dẫn Đạo luật này để ứng phó với đại dịch toàn cầu.
Vào năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã sử dụng Đạo luật này để tăng cường cơ sở hạ tầng không gian và cân nhắc việc duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.
Nhà Trắng có thể không muốn sử dụng DPA trong trường hợp này vì họ cho rằng, việc ưu tiên chip bán dẫn cho các hãng xe sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn chip bán dẫn cho các ngành công nghiệp khác.
Trong một thông báo đưa ra vào ngày 4/5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, họ đã gửi thông tin về việc thiếu hụt nguồn chip bán dẫn của các nhà sản xuất ô tô tới TSMC và các nhà sản xuất chip bán dẫn khác của Đài Loan cùng với các động thái tích cực để thúc đẩy việc này.
Nguồn: vietnamnet