Thương chiến với Trung Quốc đã có dấu hiệu tích cực qua thỏa thuận giai đoạn 1 nhưng rõ ràng trong mắt Washington, hoạt động của Tập đoàn Huawei vẫn còn là vấn đề cần kiểm soát, như khởi đầu nó từng thổi bùng lên thương chiến Mỹ – Trung.
Ngày 18-2, thẩm phán liên bang Amos Mazzant tại bang Texas đã bác bỏ đơn kiện (đệ lên vào tháng 3-2019) của Tập đoàn viễn thông Huawei thuộc Trung Quốc, theo đó cáo buộc một đạo luật Mỹ là vi hiến khi hạn chế khả năng của Huawei trong việc kinh doanh với các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ.
Trong quyết định dài 57 trang, thẩm phán Amos Mazzant ra phán quyết kết luận rằng Quốc hội Mỹ đã hành động trong khuôn khổ quyền lực của mình bằng cách áp đặt những hạn chế trong Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA 2019), vốn cũng nhắm vào hoạt động của Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc.
“Với tôi, an ninh quốc gia là rất quan trọng. Vì vậy, tôi vẫn luôn rất cứng rắn với Huawei.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu ngày 18-2.
Liên tiếp tung cú đấm
Sau phán quyết của tòa tại Texas, theo Hãng tin AFP, người phát ngôn của Huawei nhanh chóng lên tiếng đáp trả: “Dù chúng tôi rất hiểu mức độ quan trọng lớn lao của an ninh quốc gia (Mỹ), nhưng cách tiếp cận của Chính phủ Mỹ trong NDAA 2019 lại tạo ra cảm giác bảo vệ (an ninh) giả tạo khi ảnh hưởng đến những quyền (kinh doanh) hợp hiến của Huawei. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các bước pháp lý khác để bảo vệ quyền của mình”.
Phán quyết của tòa ở Texas gần như là một chuỗi cú đấm có tính toán của chính quyền Washington với sự “vươn vòi” của Huawei ở Âu-Mỹ.
Việc Washington tiếp tục đưa ra những cáo buộc mới với Huawei gần một tuần trước đó cũng như việc tiếp tục đòi hỏi dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu – giám đốc tài chính toàn cầu của Huawei – từ Canada sang Mỹ xét xử, các nhà quan sát đủ thấy rằng cách hành xử cứng rắn của chính quyền ông Trump với tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu của Trung Quốc vẫn chưa hề giảm nhiệt.
Hôm 13-2, các công tố viên Mỹ đã đưa ra những cáo buộc hình sự mới đối với Huawei, cho rằng tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc này dính líu đến hoạt động đánh cắp các bí mật thương mại của một số công ty Mỹ trong “hàng chục năm qua”.
Theo bản cáo trạng mới, Huawei đã đánh cắp các bí mật thương mại và các công nghệ tân tiến khác của Mỹ liên quan đến bộ định tuyến, mã nguồn, robot… để “giành lợi thế cạnh tranh không công bằng” với các đối thủ.
Cáo trạng cũng cho rằng Huawei tuyển dụng nhân viên của các công ty khác và chỉ đạo họ đánh cắp bí mật thương mại của công ty cũ. Bên cạnh đó, Huawei bị cáo buộc dính líu tới những nước đang bị Mỹ áp đặt trừng phạt, trong đó có Iran.
Dọa cả đồng minh
Hôm 16-2, đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell cho biết Tổng thống Trump đã cảnh báo ngừng chia sẻ thông tin tình báo cho các nước làm ăn với Huawei. Đại sứ Grenell nói rằng Tổng thống Trump “đã chỉ thị tôi làm rõ rằng bất cứ nước nào chọn sử dụng nhà bán hàng 5G không đáng tin cậy đều sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng chia sẻ thông tin tình báo ở mức cao nhất”.
Trong một dòng trạng thái trên mạng Twitter, đại sứ Grenell cho biết Tổng thống Trump đã gọi điện cho ông ngày 16-2 để truyền tải thông điệp trên.
Chỉ một ngày trước đó, phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich 2020 tổ chức ở Munich (Đức), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không ngại ví Huawei như “con ngựa thành Troy của tình báo Trung Quốc” trước thính giả là những lãnh đạo an ninh và chính trị hàng đầu.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đồng thanh lên tiếng chỉ trích Trung Quốc “tìm cách sử dụng các công nghệ mới nổi để thay đổi cục diện quyền lực và định hình lại thế giới theo hướng có lợi cho nước này”, đồng thời cho biết Washington đang làm việc với các công ty công nghệ ở Mỹ và các nước đồng minh để phát triển các phương án thay thế công nghệ 5G của Trung Quốc và sẵn sàng thử nghiệm chúng tại các căn cứ quân sự Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn cảnh báo Huawei là mối đe dọa đối với NATO và hối thúc các đồng minh châu Âu gạt gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ra khỏi mạng viễn thông 5G mới của các nước này. Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc thì Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc là mối đe dọa đối với NATO.
Washington đã liên tục gây sức ép để các đồng minh cấm Huawei tham gia các mạng dữ liệu di động 5G thế hệ mới ở nước mình với lý do nguy cơ an ninh. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, nhất là Anh và Pháp, từng cho biết sẽ không cấm Huawei xây dựng mạng 5G, thay vào đó sẽ chỉ áp đặt một số hạn chế.
Nguồn: tuoitre.vn