Tàu chiến Mỹ đi vào Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong khi tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc di chuyển qua eo biển Miyako và bắt đầu tập trận gần Đài Loan. Chuyên gia cho rằng hai bên đều phát đi các tín hiệu.
Báo South China Morning Post ngày 5-4 đưa tin Mỹ và Trung Quốc đều đã điều tàu chiến vào Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang gia tăng vì vụ tàu Trung Quốc xuất hiện tại đá Ba Đầu.
Cụ thể, Tổ chức Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) dẫn dữ liệu vệ tinh cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ do tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông hôm 4-4.
Trong khi đó, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của hải quân Mỹ đang hoạt động ở Biển Hoa Đông và di chuyển gần sông Dương Tử (Trường Giang) của Trung Quốc hôm 3-4, theo SCSPI.
Không chỉ phía Mỹ, tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 5-4 đưa tin tàu sân bay Liêu Ninh – được hộ tống bởi tàu khu trục hạng nặng Type 055 và các tàu khác – đã đi qua eo biển Miyako ở tây nam Nhật Bản để vào Thái Bình Dương từ hôm 3-4, bắt đầu cuộc tập trận gần đảo Đài Loan.
“Trùng hợp với cuộc tập trận của tàu sân bay Trung Quốc, tàu khu trục USS Mustin của hải quân Mỹ đã đi vào Biển Hoa Đông và di chuyển gần cửa sông Dương Tử của Trung Quốc trước khi di chuyển về phía nam hôm 3-4” – tờ Thời báo Hoàn Cầu lưu ý.
Hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thúc giục Nhật Bản “dừng tất cả động thái khiêu khích” tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa hai nước ở Biển Hoa Đông.
Ông Ben Schreer, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Macquarie (Úc), bình luận việc tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông nhằm chống lại các yêu sách của Bắc Kinh tại vùng biển này và để gửi tín hiệu tới các đồng minh của Washington, gồm Philippines, rằng Mỹ là một “đồng minh hiệp ước đáng tin và có năng lực”.
Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh hoạt động ở Biển Hoa Đông nhằm chứng minh các tham vọng của Trung Quốc về việc sử dụng hàng không mẫu hạm để bảo vệ cái gọi là lợi ích lãnh thổ cốt lõi của họ, theo giáo sư Ben Schreer.
“Đó là tín hiệu gửi tới Nhật Bản, Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực, rằng hải quân Trung Quốc đang dần phát triển năng lực tàu sân bay” – ông đánh giá.
Nguồn: tuoitre.vn