Xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ, Trung Quốc đang tăng mạnh, song các nhà vườn vẫn thi nhau báo ế hàng, giá rớt thê thảm.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả thu về 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc và Mỹ là hai khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam xuất khẩu.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc dẫn đầu về nhập khẩu rau quả Việt Nam với 63,2% thị phần, giá trị đạt 866 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ đạt 57,4 triệu USD (chiếm 4,2%), tăng 16,6%.
Báo cáo của đơn vị này cũng nêu rõ, tính đến hết tháng 4 năm nay, xuất khẩu thanh long đạt 455,1 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; xoài đạt 180 triệu USD, tăng trên 17%; chuối đạt 128 triệu USD, tăng 53%; mít đạt 84,8 triệu USD, tăng gần 45%,…
Dù xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh, đặc biệt là sang ở hai thị trường chính là Trung Quốc và Mỹ, song giá nhiều loại qua củ, trái cây ở nước ta vẫn lao dốc vì bế tắc đầu ra.
Thanh long đang rớt giá mạnh |
Tháng 5 vừa qua, giá xoài Úc tại Cam Lâm (Khánh Hòa) giảm mạnh. Xoài loại 1 dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg, có thời điểm giảm còn 3.000-4.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều nhà vườn chịu cảnh thua lỗ nặng bởi tiền bán xoài không đủ trả tiền công thu hái.
Ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận giá trái cây cũng giảm so với trước. Dâu, mãng cầu, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, cam xoàn, xoài, bơ… giá giảm từ 5.000-30.000 đồng/kg so với cách đây một tháng. Nguyên nhân do dịch bệnh ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân, lượng khách du lịch và hoạt động xuất khẩu.
Thực tế, tại vựa khoai lang tím Vĩnh Long và Đồng Tháp, từ cuối tháng 4, giá khoai lang bắt đầu giảm mạnh. Đến thời điểm này, người trồng khoai lang Nhật khóc ròng vì giá rớt 20 lần, xuống còn 500-600 đồng/kg nhưng vẫn không có thương lái thu mua.
Người nông dân trồng thanh long tại Bình Thuận cũng đang phải bán loại quả này với giá trung bình từ 2.000-3.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ 500-1.000 đồng/kg. Trong khi tại Long An, giá thanh long cũng giảm từ từ 20.000-21.000 đồng/kg xuống mức 3.000-5.000 đồng/kg.
Tương tự, người nông dân tại vựa mít Thái Tiền Giang cũng rớt nước mắt khi loại quả “siêu thực phẩm” này chỉ còn 5.000-10.000 đồng/kg, trong khi mít hàng chợ, mít kem còn 500-1.000 đồng/kg. Còn ở Tây Nguyên, giá bơ loại 1 chỉ 5.000 đồng/kg; thanh long đỏ 1.000-1.500 đồng/kg; xoài cũng chỉ có giá 3.000-5.000 đồng/kg.
Cần làm tốt khâu kết nối thị trường để tránh nông sản ùn ứ, giá giảm mạnh |
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản dự báo, do ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu mặt hàng rau quả trong tháng tới vẫn sẽ gặp một số thách thức liên quan đến dịch vụ vận chuyển, các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và gia tăng hàng rào kỹ thuật ở các thị trường nhập khẩu quan trọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc…
Song, đơn vị này cũng kỳ vọng xuất khẩu trái cây, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, vải, xoài, thanh long… sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường thế giới phục hồi sau đại dịch; cộng với hiệu quả của các FTA, các chương trình xúc tiến thương mại và nỗ lực quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu rau quả của các bộ ngành và địa phương.
Tại tọa đàm trực tuyến Kết nối tiêu thụ nông sản mùa dịch Covid-19, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) – nhận định, khâu tiêu thụ nông sản thì không ai giỏi bằng các doanh nghiệp, công ty phân phối. Việc sản xuất, rõ ràng nông dân rất giỏi, có thể sản xuất tất cả các sản phẩm với yêu cầu cao nhất, đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ, với điều kiện họ được trả công xứng đáng.
Để làm được điều đó, phải có đơn vị ở giữa kết nối cung cầu, điều chỉnh và đảm bảo quyền lợi các bên. Đó là cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm Bộ NN-PTNT và cơ quan quản lý địa phương. Cơ quan này có vai trò “cầm trịch”, cung ứng thông tin, kết nối hài hoà giữa phần cung – cầu, vừa đảm bảo số lượng, chất lượng và giá cả.
Mới đây, trước tình hình “nóng” câu chuyện tiêu thụ vải thiều, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã làm việc với Hiệp hội bán lẻ và các doanh nghiệp tìm cách tiêu thụ vải, với cách nhìn đã có thay đổi trong tư duy giữa sản xuất và tiêu thụ. Từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất gắn với thị trường, tạo thành dây chuyền khép kín giữa sản xuất và tiêu dùng, có sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức bán lẻ, trung tâm thương mại; động viên toàn bộ nguồn lực xã hội cùng tham gia chuỗi tiêu thụ.
Đây là hướng đi mới, phát huy hiệu quả rõ ràng trong điều kiện dịch Covid-19 và vụ vải thiều “nóng” như hiện nay. Tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ cung cấp những thông tin về thời vụ, sản lượng để cung cấp thông tin cho các nhà phân phối để làm sao chúng ta chủ động, tiêu thụ nông sản một cách bền vững, ông Cường cho hay.
Nguồn: vietnamnet