Với mạng băng thông rộng 5G vẫn đang được triển khai trên toàn thế giới, Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để giành vị trí tối cao trong công nghệ 6G tiếp theo. Đây là công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với chiến tranh trong tương lai.
Trung Quốc tập trung mọi nguồn lực
Tờ Asia Times ghi nhận từ báo cáo của IISS, Trung Quốc đang đi theo mô hình chỉ huy tập trung trong việc áp dụng công nghệ 6G cho các mục đích quân sự.
Báo cáo của IISS nói công nghệ 6G có thể đóng một vai trò quan trọng trong chương trình vũ khí siêu thanh của Trung Quốc, bao gồm cả việc giải quyết tình trạng mất liên lạc thông tin ở tốc độ siêu thanh.
Vào tháng 1, tờ South China Morning Post đưa tin các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển một tín hiệu trên bề mặt tên lửa siêu thanh. Cạnh đó còn có các ứng dụng quân sự khác, chẳng hạn như phát hiện máy bay tàng hình hoặc thông tin liên lạc không gian tốc độ cao.
Ngoài ra, báo cáo còn đề cập đến công nghệ 6G có thể cải thiện khả năng giám sát và trinh sát trên không gian, xử lý dữ liệu tăng áp và cho phép nhiều thiết bị được kết nối trên nhiều tần số.
Mỹ đi tắt đón đầu
Theo báo cáo này, Mỹ coi 6G là một công nghệ có thể đi tắt đón đầu để giúp họ duy trì lợi thế quân sự. Nhấn mạnh vào quá trình tạo mẫu và thử nghiệm quy mô để phát triển, Mỹ đang cùng hợp tác với các nhà lãnh đạo ngành, các cơ quan chính phủ khác và các đối tác quốc tế.
Về vấn đề này, quan hệ đối tác Mỹ – Hàn Quốc về các công nghệ quan trọng và mới nổi như 6G có thể rất quan trọng.
Theo IDTechEX, công ty công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc, Samsung cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào 6G và các chip tiên tiến hàng đầu sẽ thúc đẩy công nghệ.
IISS nhận định sự tương phản giữa cách tiếp cận tập trung nhưng cứng nhắc của Trung Quốc và cách tiếp cận mở rộng, kém tập trung của Mỹ trong việc phát triển công nghệ 6G cho mục đích quân sự, cũng kéo dài đến các cơ sở nghiên cứu của họ.
Trung Quốc chọn cách tiếp cận lấy nhà nước làm trung tâm để phát triển 6G. Điều này cho phép nước này tập trung tất cả nguồn lực để tác động và thao túng việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu.
Phương pháp tiếp cận cố định này đã giúp Trung Quốc xây dựng thành công ngành công nghiệp viễn thông của mình. Trung Quốc từ vị trí không đáng kể trong những năm 1980 thành một vị trí có lợi thế trong lĩnh vực viễn thông 5G, cung cấp nền tảng vững chắc cho công nghệ 6G.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế đáng kể trong việc phát triển công nghệ 6G, chẳng hạn như phụ thuộc đầu vào nước ngoài, các lệnh trừng phạt của Mỹ và kiểm soát xuất khẩu.
Ngược lại, Mỹ đã buông lỏng việc phát triển các mạng viễn thông thế hệ tiếp theo như Trung Quốc, đặc biệt là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ 5G.
Tuy ngành viễn thông bị xói mòn lâu dài, nhưng Mỹ vẫn tạo được sức mạnh trong đổi mới công nghệ và các công ty Mỹ có vị trí tốt trong các công nghệ hỗ trợ 6G như phần mềm và chất bán dẫn.
IISS cũng đề cập đến việc Mỹ đang áp dụng cách tiếp cận lấy nhà nước làm trung tâm, trong việc phát triển các công nghệ chiến lược quan trọng để lấy lại động lực đã mất. Mỹ nghiên cứu học tập những lợi thế của Trung Quốc với cách tiếp cận này.
Theo IISS, sự thích ứng rộng rãi của công nghệ 6G của Trung Quốc hoặc Mỹ, có thể thiết lập một trong hai siêu cường trở thành trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư do công nghệ thúc đẩy.
Ngoài ra, cuộc chạy đua về 6G và xung đột tiêu chuẩn công nghệ đang diễn ra, có thể dẫn đến một mạng Internet toàn cầu chia rẽ với một bên là Trung Quốc kiểm soát và bên kia là Mỹ.
Nguồn: tuoitre.vn