Trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ quan ngại về hành vi dọa dẫm và bắt nạt các nước khác ở Biển Đông. Còn phía Trung Quốc cáo buộc Mỹ là “mối đe dọa lớn nhất” ở vùng biển này.
Ngày 9-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chỉ trích hành vi bắt nạt ở Biển Đông, cảnh báo trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng một cuộc xung đột tại vùng biển này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, theo Hãng tin Reuters.
Ngoại trưởng Blinken không đề cập trực tiếp Trung Quốc trong các phát biểu về Biển Đông, nhưng Hãng tin AP chỉ ra ông Blinken đang phản ứng với yêu sách và những hành động của Bắc Kinh ở vùng biển này. Những bình luận của ông Blinken đã khiến Trung Quốc phản ứng mạnh.
“Xung đột ở Biển Đông hay ở bất kỳ vùng biển nào đều sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu đối với an ninh và thương mại” – Ngoại trưởng Blinken phát biểu trong cuộc họp về an ninh hàng hải của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ông nhấn mạnh: “Khi một quốc gia không phải chịu hậu quả cho hành vi phớt lờ những quy định này, điều đó sẽ làm gia tăng tình trạng được miễn trừng phạt và làm gia tăng bất ổn khắp nơi”.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm: “Chúng ta đã chứng kiến những cuộc chạm trán nguy hiểm giữa các tàu thuyền trên biển, và các hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy yêu sách hàng hải phi pháp”.
Theo ông Blinken, Mỹ quan ngại về những hành động “dọa dẫm và bắt nạt các quốc gia khác khi những nước này tiếp cận hợp pháp nguồn tài nguyên biển của họ”.
Đáp trả, ông Đới Binh (Dai Bing), phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng “Hội đồng Bảo an không phải là nơi thích hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông”, và rằng Trung Quốc phản đối việc Mỹ đề cập vấn đề Biển Đông.
Ông Đới cáo buộc Mỹ “gây rối” và “tùy tiện đưa các máy bay và tàu quân sự tiên tiến vào Biển Đông”. Ông Đới cho rằng đây là những hành vi khiêu khích và rằng Mỹ đang công khai tìm cách “gây chia rẽ” các quốc gia trong khu vực.
“Chính quốc gia này (Mỹ) đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông” – ông Đới cáo buộc.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố không chỉ các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, mà mọi quốc gia khác đều có trách nhiệm phải bảo vệ những luật lệ mà họ đều đã đồng ý tuân theo để giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.
Ông Blinken còn nhắc lại phán quyết cách đây 5 năm của Tòa trọng tài thường trực được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 trong vụ kiện của Philippines, theo đó đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn) mà Trung Quốc tự vẽ ra.
Thượng viện Mỹ bỏ phiếu về dự luật cơ sở hạ tầng
Cũng trong ngày 9-8, trong một động thái thúc đẩy thông qua dự luật cơ sở hạ tầng của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Mỹ cần đầu tư vào giáo dục, đường sá, đường sắt, cảng… nếu Washington muốn vẫn có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và các đối thủ khác trên toàn cầu.
Bài phát biểu trên được ông Blinken đưa ra tại Đại học Maryland, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang muốn Quốc hội Mỹ sớm thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1.000 tỉ USD. Thượng viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu thông qua dự luật này trong ngày 10-8.
Nguồn: tuoitre.vn