Reuters ngày 3.6 đưa tin Mỹ đang xem xét tăng cường tuần tra hải quân ở Biển Đông, nhằm thách thức việc Trung Quốc quân sự hóa vùng biển này.

Hai quan chức Mỹ và các nhà ngoại giao phương tây và châu Á nói Lầu Năm Góc đang cân nhắc tăng cường tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép và quân sự hóa trên Biển Đông.

Sẽ có nhiều tàu chiến Mỹ tiến hành tuần tra FONOP

Kế hoạch này có thể gồm tuần tra lâu hơn, triển khai nhiều tàu chiến hơn, hoặc hoạt động giám sát thật gần các chốt quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Các nhà ngoại giao châu Á và phương tây cho biết: quan chức Mỹ cũng thúc đẩy các đồng minh quốc tế và đối tác tăng cường triển khai hải quân đến Biển Đông, vào lúc Trung Quốc đã dàn khí tài quân sự và tên lửa tầm xa, cho máy bay ném bom H-6K diễn tập cất-hạ cánh trên các đảo nhân tạo thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm trái phép.

Một nhà ngoại giao phương tây nói: “Những gì chúng ta chứng kiến vài tuần qua chỉ là sự khởi đầu, sẽ còn nhiều nữa vì đã lên kế hoạch”, ám chỉ việc lần đầu tiên hai tàu chiến Mỹ thực hiện tuần tra FONOP ngày 27.5.

Hôm đó, khu trục hạm Higgins và tuần dương hạm Antietam đều mang tên lửa dẫn đường đi vào vùng nước 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép và quân sự hóa trên quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm phi pháp hồi những năm 1970).

Theo Reuters, hai tàu chiến Mỹ lần lượt đi qua đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm và tiến hành các hoạt động diễn tập.

Lầu Năm Góc không bình luận về chiến dịch FONOP tương lai, nhưng người phát ngôn là Trung tá Christopher Logan nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với bạn bè, đồng minh và đối tác để bảo đảm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở đón tàu bè của tất cả các nước”.

Mỹ cũng hủy lời mời Trung Quốc dự cuộc tập trận hải quân chung RIMPAC 2018 để phản đối Bắc Kinh “tiếp tục quân sự hóa” Biển Đông.

Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, và quyết định của Mỹ được mô tả là “phản ứng ban đầu”, có nghĩa Mỹ sẽ còn những phản ứng khác, nếu Trung Quốc không thay đổi thái độ.

Theo hãng tin Fox News, ngay sau khi bị hủy lời mời, Trung Quốc tuyên bố nhóm chiến đấu tàu sân bay Liêu Ninh “đạt đến giai đoạn đầu khả năng chiến đấu”. Gần đây, chiếc tàu sân bay này đã được đưa đến Biển Đông để phô trương sức mạnh.

Giới chỉ trích nói tuần tra FONOP không tác động mạnh đến hành xử hung hăng của Trung Quốc, và là cách giấu việc Mỹ không có chiến lược rõ ràng để đối phó Trung Quốc ngày càng khống chế Biển Đông.

Chuyên gia an ninh Tim Huxley ở Singapore, nói sức ép tăng dần có thể làm Trung Quốc chậm tiến hành quân sự hóa, nhưng khó thể ngăn Trung Quốc: “Họ không làm thế để chọc vào mắt Mỹ hoặc các nước láng giềng, nhưng họ làm thế để phục vụ các mục tiêu chiến lược dài hạn, dù là phô trương sức mạnh quân sự hoặc bảo vệ nguồn cung năng lượng”.

Fox News ngày 3.6 cũg đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông bị bất ngờ, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã chỉ trích chính phủ Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông nhằm “đe dọa, o ép” các nước trong khu vực”, khi ông dự Đối thoại Shangri-La 2018 ở Singapore.

Tổng thống Trump viết Twitter: “Rất bất ngờ khi Trung Quốc làm chuyện đó”. Ông Trump hiện tìm sự hợp tác của Trung Quốc về Triều Tiên.

Theo Vĩnh Thụy
Một Thế Giới

Từ khóa : biển Đôngđảo nhân tạoquân sự hóatàu chiến mỹtrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết