Nước Mỹ vừa tăng lãi suất ở mức mạnh nhất trong vòng khoảng 3 thập kỷ nhằm chống lạm phát đang ở mức cao nhất 41 năm qua. Tuy nhiên, động thái này thấp hơn kỳ vọng và các thị trường tài chính biến động mạnh.

Đồng thuận tăng mạnh lãi suất

Tất cả quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) kết thúc vào rạng sáng ngày 28/7 (giờ Việt Nam) đã đồng thuận tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong nỗ lực chống lạm phát đang ở mức cao nhất trong 41 năm qua (9,1% ghi nhận hồi tháng 6/2022).

Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm (Fed fund rate) được nâng lên 2,25%-2,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Mức tăng 75 điểm cũng là động thái cứng rắn nhất của Fed kể từ đầu thập niên 90.

Đây là lần thứ 4 Fed tăng lãi suất trong năm nay.

Trước đó, trong cuộc họp ngày 15/6, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm từ mức 0,75-1% lên mức 1,5-1,75% sau đợt tăng 25 điểm trong tháng 3 và 50 điểm trong tháng 5.

Hồi giữa tháng 7, giới đầu tư cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất lên 100 điểm phần trăm sau khi Mỹ ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 lên tới mức 9,1% (cao kỷ lục trong 41 năm và cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 2%) do giá năng lượng, lương thực tăng vọt vì ảnh hưởng hậu Covid, vì cuộc xung đột Nga-Ukraine…

Tuy nhiên, trong khoảng 1 tuần qua, thị trường đã thay đổi kỳ vọng cho rằng, Fed sẽ chỉ lãi suất với mức 75 điểm phần trăm do nước Mỹ phát đi nhiều tín hiệu cho thấy có thể rơi vào một đợt suy thoái kinh tế.

Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất.

Trong tuyên bố sau cuộc họp, FOMC cảnh báo cho biết, các chỉ báo gần đây về chi tiêu và sản xuất của Mỹ đã yếu đi. Tuy nhiên, một điểm tích cực là: thị trường việc làm vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong vài tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn thấp. Các quan chức cho rằng lạm phát hiện tại xuất phát từ các vấn đề về chuỗi cung ứng, đà tăng của giá thực phẩm, năng lượng cùng với “áp lực giá cả chung”.

Như vậy, những nhận định sau cuộc họp tháng 7 gần như tương tự như tuyên bố sau cuộc họp tháng 6/2022. Hồi tháng 6/2022, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6%, gần mức toàn dụng lao động.

Fed cũng phát đi tín hiệu cho thấy sẽ tăng tiếp tục lãi suất. Với định hướng mới, lãi suất cơ bản sẽ lên ngưỡng 3,4% vào cuối năm nay và 3,8% vào năm 2023

Nhiều tổ chức gần đây lo ngại kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng rõ nét. Trong quý I/2022, Mỹ ghi nhận GDP suy giảm 1,6% và có thể tiếp tục âm trong quý II. Và nếu đúng như vậy, kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái về kỹ thuật.

Không chỉ Mỹ, châu Âu và nhiều nước châu Á cũng đang đối mặt với lạm phát cao và buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Thị trường tài chính biến động mạnh

Hôm 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã lần đầu tiên sau 11 năm tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm phần trăm và chính thức kết thúc thời gian dài duy trì lãi suất ở mức âm trong bối cảnh đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.

ECB đã duy trì lãi suất trong trạng thái âm suốt từ năm 2014 nhằm giúp nền kinh tế Eurozone ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công khu vực và đại dịch Covivd-19. ECB được dự báo sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong bối cảnh lạm phát ở mức cao kỷ lục và đồng Euro tụt giảm, có lúc xuống còn 0,98 USD đổi 1 Euro.

Ngay sau quyết định của Fed, các thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt hơn 400 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 4%. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng hơn 2,6%.

Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ trong đó có Alphabet và Microsoft công bố kết quả kinh doanh quý II ấn tượng.

Lạm phát Mỹ lên mức cao kỷ lục hơn 40 năm.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng được hỗ trợ bởi lưu ý của Fed cho biết cơ quan này sẽ chậm lại tốc độ tăng lãi suất. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed có thể tăng lãi suất thêm 75 điểm một lần nữa vào tháng 9, nhưng điều đó sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế.

Gần đây, nhiều dự báo cho rằng, Fed có thể đảo chiều chính sách tiền tệ, quay đầu giảm lãi suất ngay trong 2023 thay vì 2024 như các nhận định trước đó.

Giới đầu tư cũng tự tin hơn sau khi ông Powell tin rằng kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái. Nhiều lĩnh vực kinh tế đang hoạt động rất tốt.

“Tôi không nghĩ rằng Mỹ hiện đang suy thoái, và lý do là có quá nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang hoạt động quá tốt. Chắc chắn, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Năm ngoái, tăng trưởng ở mức rất cao 5,5%. Do vậy, dự kiến tăng trưởng năm nay sẽ chậm lại”, ông Powell chia sẻ.

Trong cuộc họp 27/7, lần đầu tiên, ông Powel thể hiện giọng điệu ôn hòa hơn so với trước đây liên quan đến việc tăng lãi suất. Ông Powel cho rằng, có khả năng thích hợp để Fed giảm tốc độ tăng vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần.

Đồng USD giảm nhanh sau cuộc họp của Fed. Chỉ số DXY – đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền tệ chủ chốt – giảm từ mức trên 107 điểm xuống 106,3 điểm. Trước đó, DXY có lúc lên 109 điểm.

Giá vàng, trong khi đó, tăng vọt lên từ ngưỡng 1.710 USD/ounce lên gần 1.740 USD/ounce.

Rạng sáng 29/7 (giờ Việt Nam), Mỹ sẽ công bố những con số mới nhất về GDP quý II. Thị trường tài chính thế giới sẽ có những biến động.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : FEDlãi suất

Các tin liên quan đến bài viết