Theo ông Gorbachev, các nhà lãnh đạo trên thế giới, nhất là Mỹ và Nga, cần quay trở lại con đường đối thoại và đàm phán để giải quyết khủng hoảng hạt nhân.

Mỹ-Nga đẩy Đồng hồ Tận thế sát nửa đêm và lời giải của cựu tổng thống Liên Xô Gorbachev

Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan kí kết Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

*Bài viết thể hiện ý kiến và quan điểm của cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev được đăng tải trên tạp chí TIME.

Khi trở thành lãnh đạo Liên bang Xô viết năm 1985, tôi có thể cảm nhận được điều khiến mọi người lo lắng nhất chính là vấn đề chiến tranh và hòa bình. Hãy làm tất cả để ngăn cản chiến tranh, họ đã nói như vậy.

Vào thời điểm đó, các siêu cường đã tích lũy được hàng núi vũ khí, đồng thời lên kế hoạch xây dựng các cơ sở chiến đấu trên vũ trụ, phát triển các loại vũ khí laser sử dụng năng lượng hạt nhân, hay vũ khí không gian động lực… Thật may là cuối cùng không có kế hoạch nào kể trên trở thành sự thật.

Khi ấy, các cuộc đàm phán giữa Liên Xô và Mỹ đã mở ra cơ hội chấm dứt chạy đua vũ khí hạt nhân. Chúng tôi [Liên Xô] đã đạt được thỏa thuận với một trong những vị tổng thống cứng rắn nhất nước Mỹ, ông Ronald Reagan, nhằm giảm thiểu đáng kể số lượng các kho vũ khí.

Các quốc gia ráo riết chạy đua vũ trang hạt nhân

Ngày nay, các thành tựu ấy đang dần bị đẩy đến bờ vực. Các kế hoạch phòng thủ của các quốc gia ngày càng giống kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thực sự, trong khi quá trình quân sự hóa vẫn tiếp diễn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia và bản Báo cáo Đánh giá Tình hình Hạt nhân hồi tháng 2 vừa qua. Trong đó, Mỹ chủ trương tham gia các cuộc chạy đua “chính trị, kinh tế và quân sự trên khắp thế giới”, đồng thời kêu gọi phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới “linh hoạt hơn”.

Điều này có nghĩa là ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân lại tiếp tục được hạ xuống thấp hơn nữa.

Mỹ-Nga đẩy Đồng hồ Tận thế sát nửa đêm và lời giải của cựu tổng thống Liên Xô Gorbachev - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Trong bối cảnh ấy, Tổng thống Vladimir Putin đã công bố những loại vũ khí Nga mới phát triển trong Thông điệp Liên bang hôm 1/3 vừa qua, bao gồm những vũ khí “bất khả chiến bại” và “chưa quốc gia nào trên thế giới có được”.

Mới đầu năm nay, nhóm Nhà khoa học Hạt nhân Mỹ tại Chicago đã điều chỉnh chiếc Đồng hồ Tận thế gần thêm nửa phút so với mốc nửa đêm. Theo các nhà khoa học này, thì nhân loại chỉ còn cách thảm họa toàn cầu hai phút mà thôi.

Lần cuối cùng chiếc Đồng hồ Tận thế này chạm mốc nguy hiểm gần nửa đêm là từ năm 1953, khi Mỹ và Liên Xô chạy đua vũ khí hạt nhân.

Tình trạng báo động mà các nhà khoa học lo ngại là hoàn toàn có lý trong bối cảnh hiện nay.

Chúng ta nên phản ứng với cuộc chạy đua vũ trang mới này ra sao?

Trên hết, chúng ta không được phép bỏ cuộc. Chúng ta phải yêu cầu các nhà lãnh đạo trên thế giới quay trở lại con đường đối thoại và đàm phán.

Trách nhiệm chấm dứt tình trạng căng thẳng và bế tắc hiện tại thuộc về các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga. Họ không được phép trốn tránh trách nhiệm lớn lao này, bởi họ là hai cường quốc sở hữu kho vũ khí có thể coi là lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên chúng ta cũng không nên đặt trọn hy vọng vào các vị Tổng thống. Chỉ hai cá nhân thì không thể nào giải quyết được tất cả những bế tắc chất chồng trong từng ấy năm. Chúng ta cần tổ chức đối thoại ở tất cả các cấp, đồng thời vận động sự tham gia của cộng đồng chuyên gia hai nước. Lực lượng chuyên gia ấy là đại diện cho lượng kiến thức khổng lồ nên được sử dụng cho mục đích hòa bình.

Hơn nữa, ở thời điểm này, chúng ta cần đặt ra câu hỏi: Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an, và Tổng thư ký LHQ đang ở đâu trong khi mối nguy đang rình rập nhân loại? Chẳng phải lúc này họ nên triệu tập một phiên họp Đại Hội đồng khẩn cấp, hoặc cuộc họp HĐBA với thành phần tham gia là lãnh đạo các nước hay sao? Tôi tin rằng cả thế giới đang mong mỏi LHQ thực hiện động thái đó.

Tôi tin chắc rằng đại đa số người dân Nga và Mỹ đều sẽ đồng ý rằng các vấn đề không thể được giải quyết bằng chiến tranh. Liệu vũ khí có thể giải quyết những vấn nạn môi trường, khủng bố, hay nghèo đói hay không? Liệu bạo lực có thể giải quyết những vấn đề kinh tế trong nước không?

Chúng ta phải nhắc nhở các nhà lãnh đạo của các cường quốc hạt nhân về cam kết của họ trong Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) để tiến hành đàm phán cắt giảm với mục đích cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Những người tiền nhiệm của họ đã kí kết hiệp ước ấy, và điều đó cũng đã được các lãnh đạo cấp cao nhất của các nước phê chuẩn. Một thế giới không còn vũ khí hạt nhân: Đây chính là mục tiêu cuối cùng và duy nhất của hiệp ước này.

Tuy tình hình hiện tại có vẻ ảm đạm, hay thậm chí vô vọng, chúng ta vẫn cần hành động để ngăn chặn thảm họa diệt vong. Điều chúng ta cần không phải là cuộc chạy đua đến vực thẳm, mà là chiến thắng chung của tất cả nhân loại trước ác quỷ chiến tranh.

theo Thời đại

Từ khóa : chạy đua vũ tranggiải quyết khủng hoảngLiên XôMỹNgavũ khí hạt nhânvũ khí không gian

Các tin liên quan đến bài viết