Dự luật trình lên Thượng viện Mỹ hôm 14-1 dự kiến buộc các nhà thầu quốc phòng dừng mua đất hiếm của Trung Quốc từ năm 2026 và xây dựng kho dự trữ lâu dài khoáng chất chiến lược này cho Hoa Kỳ.
Do các thượng nghị sĩ Tom Cotton (bang Arkansas, Cộng hòa) và Mark Kelly (bang Arizona, Dân chủ) đứng tên, dự luật là động thái mới nhất của Mỹ nhằm kiềm chế bớt sự kiểm soát của Trung Quốc trong lĩnh vực tối quan trọng.
Động thái mới từ Trung Quốc
Về cơ bản, dự luật sẽ thông qua các hợp đồng mua sắm trị giá hàng tỉ USD của Lầu Năm Góc với những khí tài như máy bay chiến đấu, tên lửa… để yêu cầu các nhà thầu quốc phòng không sử dụng đất hiếm Trung Quốc, qua đó ủng hộ cho việc sản xuất đất hiếm nội địa.
Động thái của Mỹ diễn ra 3 tuần sau khi Trung Quốc quyết định hợp nhất ba công ty nhà nước chuyên về đất hiếm thành Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc vào hôm 23-12-2021.
Theo trang China Briefing, siêu tập đoàn này sẽ chiếm khoảng 62% lượng cung đất hiếm của cả Trung Quốc. Bốn chủ sở hữu góp vốn chính là Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc, Tổng công ty Nhôm Trung Quốc (CHALCO), Tổng công ty Khoáng sản và kim loại Trung Quốc và Tổng công ty Đất hiếm Cám Châu (Giang Tây).
Đất hiếm là 17 loại kim loại thiết yếu cho hàng loạt sản phẩm công nghệ cao, từ hàng tiêu dùng như máy tính, điện thoại, xe hơi… tới thiết bị quân sự như súng laser, hệ thống dẫn đường, rađa… Xét về sản lượng, Trung Quốc dẫn đầu ngành đất hiếm thế giới suốt hơn hai thập niên qua, chiếm 50-70% lượng đất hiếm khai thác và 90% lượng được xử lý.
Tuy nhiên, thế thống trị thị trường của họ đã yếu đi vài năm qua, sản lượng toàn cầu giảm từ 86% năm 2014 xuống còn 58,3% năm 2020, theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ.
Hơn nữa, những nỗ lực tái cấu trúc ngành trong nhiều năm vẫn chưa hiệu quả. Sản xuất nội địa của Trung Quốc vẫn rất phân mảng và nhỏ lẻ, khiến thế thống trị trên lý thuyết của họ không mang lại sức mạnh khống chế thị trường, dù về chính trị, đất hiếm vẫn có thể là vũ khí lợi hại. Năm 2010, Bắc Kinh từng cấm xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật trong một thời gian ngắn.
Việc tái cấu trúc và thành lập Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc là động thái rõ ràng để thay đổi tình thế đó, nhằm kiểm soát giá bán tốt hơn, và phản ứng của Mỹ cũng là dễ hiểu.
Sự đồng thuận ở Mỹ
Mỹ hiện chỉ có duy nhất một mỏ đất hiếm và chưa có năng lực xử lý khoáng sản này. “Chấm dứt việc Mỹ phụ thuộc Trung Quốc về khai thác và xử lý đất hiếm là tối quan trọng với việc xây dựng năng lực quốc phòng và công nghệ cho quốc gia” – thượng nghị sĩ Tom Cotton, cũng là thành viên Ủy ban Quân lực và tình báo Thượng viện Mỹ, nói với Reuters.
Dự luật mà hai ông Cotton và Kelly trình sẽ pháp điển hóa việc dự trữ đất hiếm của Bộ Quốc phòng. Bước đi của Mỹ không hề đột ngột và đất hiếm là vấn đề nhận được sự ủng hộ gần như nhất quán của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Năm 2017, tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh hành pháp về “chiến lược đảm bảo nguồn cung ứng an toàn và ổn định các khoáng sản thiết yếu”, trong đó nói đất hiếm là “tối quan trọng với an ninh và thịnh vượng kinh tế của quốc gia”. Những vấn đề trong chuỗi cung ứng lộ rõ trong đại dịch COVID-19 đã dẫn tới các phản ứng khẩn cấp hơn từ Mỹ.
Năm 2020, thượng nghị sĩ Ted Cruz (Đảng Cộng hòa) đã giới thiệu dự luật hỗ trợ phát triển năng lực đất hiếm quốc nội. Trong tháng đầu tiên nắm quyền của Tổng thống Joe Biden, đất hiếm là một trong ba lĩnh vực công nghiệp thuộc Chương trình Đánh giá chuỗi cung ứng 100 ngày của chính quyền mới (cùng với linh kiện bán dẫn và công nghệ pin điện).
Với căng thẳng leo thang ở Đông Nam Á, một cuộc chiến thương mại đang diễn ra, cuộc cạnh tranh gay gắt chuyển đổi sang nền kinh tế số và các công nghệ xanh cùng những thách thức của chuỗi cung ứng toàn cầu, không lạ khi sự chú ý chuyển sang đất hiếm – một đề tài chắc chắn còn nóng bỏng trong nhiều thập niên tới.
Kinh tế nhà nước kiểu Mỹ
Dù vẫn tự hào là “thiên đường của thị trường tự do”, Nhà nước Mỹ không ngần ngại và đã nhiều lần can thiệp vào các thị trường tư nhân. Lý do thì rất nhiều: để ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn khủng hoảng, để cung cấp một “hàng hóa công” không thể phó mặc cho thị trường, và thường xuyên nhất là để đối phó với đe dọa từ bên ngoài.
Chẳng hạn, sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik, Washington mở chiến dịch đầu tư công quy mô chưa từng thấy vào công nghệ, từ đó dẫn tới cuộc cách mạng số hóa và sự ra đời của Internet. Mới đây nhất, cuộc chiến chống COVID-19 ở Mỹ chứng kiến sự can thiệp nhà nước gần như ở mức độ “toàn năng”: từ xét nghiệm, điều trị, nghiên cứu tới triển khai vắc xin. Đất hiếm sẽ là lĩnh vực tiếp theo. Tất cả những điều đó cho thấy vấn đề không phải là tư nhân hay nhà nước, mà rốt cuộc vẫn là những con người thực thi đạt hiệu quả tới đâu.
Nguồn: tuoitre.vn