Chất bán dẫn rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh công nghệ.
Mới đây, trang web National Interest đã đăng tải bài viết “Sự thiếu hụt chất bán dẫn: Mỹ đang sẵn sàng nhượng bộ cuộc đua công nghệ tới châu Á”. Trong bài viết, tác giả Alan Tonelson chỉ ra rằng để giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn, Mỹ đã thực sự chuyển giao cuộc chạy đua công nghệ sang châu Á.
|
Tình trạng thiếu chất bán dẫn gây ra tình trạng bất ổn ở Mỹ
Chất bán dẫn rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh công nghệ. Năng lực sản xuất chất bán dẫn có thể thúc đẩy đổi mới công nghệ, cho phép toàn bộ ngành công nghiệp vi điện tử sản xuất các sản phẩm nhanh hơn và mạnh hơn.
Chất bán dẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất phần cứng và các ứng dụng phần mềm hỗ trợ. Chúng là chìa khóa để sản xuất máy móc dân dụng hiệu suất cao hơn và các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất.
Intel là nhà sản xuất quy mô lớn nhất và duy nhất ở Mỹ vẫn sản xuất chip logic ở Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo hàng quý mới nhất của Intel đã chỉ ra một số lỗi kỹ thuật tiềm ẩn nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất chất bán dẫn, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Intel không chỉ tuyên bố sẽ không thể sản xuất hàng loạt dòng chip mới sử dụng công nghệ cải tiến hiệu suất thế hệ mới mà còn có thể rút lui hoàn toàn khỏi ngành sản xuất chất bán dẫn. Đây là năm thứ hai liên tiếp Intel không ra mắt thế hệ vi xử lý mới. Trong một ngành mà chu kỳ sản phẩm liên tục rút ngắn, sự tụt hậu này sẽ làm tăng chi phí dài hạn cho sự lạc hậu về công nghệ của công ty.
Các nhà sản xuất chất bán dẫn không quan tâm đến việc tập trung sản xuất của họ vào Mỹ
Đối với Mỹ, ngay cả khi Intel rút khỏi lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, nền kinh tế và quân đội Mỹ vẫn có thể tiếp tục sử dụng các sản phẩm bán dẫn đẳng cấp thế giới. Một trong những nguyên nhân chính là hai công ty có công nghệ sản xuất chất bán dẫn hàng đầu còn lại đến từ Đài Loan (TSMC) và Hàn Quốc (Samsung).
Tuy nhiên, mặc dù hai nhà sản xuất chất bán dẫn này nằm ở đồng minh châu Á hoặc thân thiện với Mỹ, nhưng vì khoảng cách địa lý, Mỹ sẽ không cảm thấy an toàn.
Đồng thời, Mỹ đang xem xét nghiêm túc việc phát triển sản xuất chất bán dẫn trong nước. Mỹ đã đạt được thỏa thuận với TSMC, và TSMC sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở Arizona. Vào tháng 7, với sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua các dự luật liên quan, nhằm mục đích hồi sinh ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Dự luật sẽ thực hiện miễn giảm thuế đối với đầu tư vào chất bán dẫn, cho phép kế hoạch liên bang trị giá 10 tỷ USD để phù hợp với các ưu đãi của chính quyền địa phương và tiểu bang đối với sản xuất chất bán dẫn. Đồng thời, xây dựng một kế hoạch mới tại Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến tại Mỹ.
Nhưng những ưu đãi này có thể không được tiếp tục, bởi vì các nhà sản xuất chất bán dẫn của Mỹ rất “tỉnh táo”. Ngay cả Intel, vốn luôn tập trung vào sản xuất, cũng chẳng mấy quan tâm đến việc tập trung vào sản xuất tại Mỹ. Đối với các công ty này, chuyển giao sản xuất sang nước ngoài trong khi tăng gấp đôi chi phí nghiên cứu, thiết kế và kỹ thuật là cách để kiếm bộn tiền.
Sản xuất chất bán dẫn của Mỹ đã chuyển sang châu Á
Kể từ năm 1990, thị phần của Mỹ trong công suất sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã giảm hơn một nửa (từ 37% xuống 12%). Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Mỹ, các nước châu Á đã chiếm 80% sản lượng bán dẫn toàn cầu.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng bùng nổ của ngành sản xuất châu Á là nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển dịch này, nhưng việc sản xuất ở Mỹ chậm lại cũng là một nguyên nhân quan trọng.
Trong quá trình mở rộng kinh tế của Mỹ từ năm 2001 đến năm 2007, sản lượng hàng hóa máy tính và điện tử đã tăng 160%, nhưng trong giai đoạn 10 năm 2009 – 2019, tốc độ tăng trưởng giảm xuống còn 73,68%. Đồng thời, kể từ năm 2001, lực lượng lao động bán dẫn của Mỹ đã giảm gần 31%.
Ngoài ra, việc các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng này.
Tỷ trọng sản xuất của các công ty Mỹ ở châu Á (41,7%) gần như lớn bằng tỷ trọng trong nước (44,3%). Có hai lý do giải thích cho loại hình gia công ngoài nước này: Thứ nhất, châu Á có hầu hết khách hàng là các nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu. Thứ hai, hầu hết chuỗi cung ứng của ngành hiện nay cũng nằm ở châu Á.
Rất khó để xây dựng lại chuỗi cung ứng chất bán dẫn ở Mỹ
Mỗi chip bán dẫn chứa hàng tỷ bóng bán dẫn nhỏ hơn sợi tóc của con người, và sẽ ngày càng có nhiều bóng bán dẫn như vậy để xử lý các nhiệm vụ ngày càng thách thức.
Sự hồi sinh của ngành sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ có nghĩa là công ty cần thiết lập lại một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Điều này không dễ thực hiện theo mô hình kinh doanh theo định hướng cổ đông hiện nay. Hơn nữa, việc các công ty bán dẫn của Mỹ vươn ra toàn cầu là điều không thể. Sau cùng, họ không muốn từ bỏ thị trường khổng lồ ở châu Á.
Hơn nữa, do “quán tính” của quan điểm toàn cầu hóa, mọi người thuộc mọi tầng lớp ở Mỹ đều tin rằng miễn là Mỹ có thể có được các sản phẩm bán dẫn tiên tiến, thì không cần ràng buộc về nơi sản xuất.
Tuy nhiên, sự thu hẹp liên tục của ngành sản xuất trong nước của Mỹ và sự sụt giảm liên tục của thị phần toàn cầu khiến người ta lo lắng về triển vọng của ngành công nghiệp Mỹ.
Nguồn: vietnamnet