Mỹ và Trung Quốc sẽ hướng tới các cuộc “đối thoại” về kiểm soát vũ khí nhưng “không phải là đối thoại chính thức”, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ khẳng định. Lời xác nhận này giảm cấp về mức độ liên lạc của hai bên.
Trong cuộc họp trực tuyến mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý sẽ xem xét khả năng đối thoại về kiểm soát vũ khí.
Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 16-11, ông Biden và ông Tập đồng ý “xem xét việc bắt đầu tiến hành thảo luận về ổn định chiến lược”. Trước đây, Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân và tên lửa. Washington nhiều lần hối thúc Trung Quốc tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí mới với Mỹ và Nga.
Ông Sullivan cho biết “tương tác và thảo luận sẽ gia tăng ở các cấp để đảm bảo cạnh tranh giữa hai nước nằm trong hành lang an toàn, không chệch hướng và trở thành xung đột”.
Ông Sullivan cũng nhận định thảo luận với Trung Quốc sẽ không giống như đối thoại chính thức về ổn định chiến lược giữa Mỹ và Nga – vốn có bề dày lịch sử hơn nhiều và cũng đạt độ chín hơn nhiều.
Sau phát biểu của ông Sullivan, ngày 17-11, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ ra tuyên bố phản đối việc “nói quá” tình trạng của đối thoại với Trung Quốc. Hội đồng nhấn mạnh thảo luận về ổn định chiến lược với Bắc Kinh không ở cùng cấp độ như thảo luận giữa Mỹ và Nga trong nhiều năm qua.
Theo Hãng tin Reuters, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ khẳng định “đây không phải là nói chuyện về kiểm soát vũ khí”, nhưng không có thông tin cụ thể về cách thức các trao đổi sẽ diễn ra.
Bắc Kinh khẳng định kho vũ khí của Mỹ và Nga lớn gấp nhiều lần Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc sẵn sàng tiến hành các cuộc đối thoại song phương về an ninh chiến lược “trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.
Cuộc họp trực tuyến mới đây, ngày 15-11 (giờ Mỹ), ngày 16-11 (giờ Trung Quốc), là cuộc thảo luận sâu sắc nhất của hai lãnh đạo Mỹ – Trung Quốc kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1-2021.
Mặc dù nói chuyện trong khoảng 3 tiếng rưỡi, cuộc hội đàm không có đột phá nào.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã giảm nhẹ từ 13.865 vào đầu năm 2019 xuống 13.400 vào tháng 1-2020. Trong đó, Nga sở hữu 6.375 đầu đạn hạt nhân với 1.570 đầu đạn được triển khai hoạt động, giảm 125 đầu đạn so với đầu năm 2019.
Mỹ có ít hơn 385 đầu đạn so với năm 2019 và hiện có tổng số khoảng 5.800 đầu đạn hạn nhân, với 1.750 được triển khai.
Trung Quốc có 320 đầu đạn. Tiếp đến là Pháp và Anh với lần lượt 290 và 215 đầu đạn hạt nhân.
Nguồn: tuoitre.vn