Pfizer hôm 22/12 cho biết, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt thuốc viên Paxlovid của hãng cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà.
Theo hãng thông tấn Reuters, động thái này giúp Pfizer trở thành hãng dược đầu tiên có liệu pháp điều trị Covid-19 tại nhà được phê duyệt trên thế giới.
Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng gần nhất cho thấy, phác đồ điều trị bằng Paxlovid đạt hiệu quả tới 90% trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ trở nặng. Liệu trình bao gồm 30 viên Paxlovid và thuốc bổ trợ trong 5 ngày. Liều dùng một lần là 2 viên Paxlovid và 1 viên Ritonavir (thuốc kháng HIV) liều thấp. Ritonavir sẽ giúp Paxlovid tồn tại trong cơ thể lâu hơn.
Dây chuyển sản xuất thuốc viên Paxlovid tại Ascoli, Italia. |
FDA cho biết đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Covid-19 của Pfizer để điều trị các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên, đặc biệt là người dễ chuyển nặng do tuổi tác hoặc bệnh nền như béo phì, tiểu đường. Thuốc chỉ được bán theo đơn, và bệnh nhân cần sử dụng càng sớm càng tốt sau khi bị chẩn đoán mắc Covid-19 và trong vòng 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
Phía Pfizer cho biết đã sẵn sàng cho việc phân phối thuốc Paxlovid ngay tại Mỹ, và dự kiến sẽ nâng số liệu trình được sản xuất từ 80 triệu lên 120 triệu vào năm 2022. Chính phủ Mỹ trước đó đã đặt mua 10 triệu liệu trình điều trị Covid-19 bằng thuốc viên của Pfizer, với giá 530 USD/liệu trình.
Tâm dịch Omicron ở Nam Phi ‘qua mức đỉnh’
Các nhà khoa học Nam Phi hôm 22/12 cho biết, số ca nhiễm Covid-19 ở Gauteng, nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm Omicron nhất cả nước, dường như đã ‘qua mức đỉnh’ kể từ khi biến thể mới lần đầu tiên được phát hiện ở tỉnh này.
Theo các nhà khoa học từ Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam Phi (NICD), dù cần thêm thời gian nghiên cứu, nhưng các dữ liệu trong nước gần đây đã cho thấy “những câu chuyện tích cực” về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron.
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 22/12, chuyên gia Michelle Groome của NICD cho biết cả số ca nhiễm mới theo ngày và tỉ lệ xét nghiệm dương tính với Covid-19 ở Gauteng đều có xu hướng giảm. “Thực sự, chúng tôi cảm thấy điều này đã kéo dài hơn một tuần, và chúng ta đã qua thời kỳ đỉnh dịch ở Gauteng,” bà Groome nói.
Vị chuyên gia cũng cho biết diễn biến dịch bệnh có sự “chững lại” tại 3 tỉnh ở Nam Phi, dù số ca nhiễm ở những nơi khác trong nước vẫn có chiều hướng gia tăng.
Anh lần đầu vượt 100.000 ca nhiễm mới/ngày
Anh lần đầu tiên vượt mức 100.000 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày kể từ khi áp dụng việc xét nghiệm rộng rãi, với 106.122 ca được ghi nhận trong ngày 22/12.
Theo dữ liệu của chính phủ Anh, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicronđã làm gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mới trong 7 ngày qua với tổng cộng 643.219 ca được ghi nhận, tương đương tỷ lệ 59%. Nhiều ngành nghề ở Anh đang phải vật lộn với tình trạng khan hiếm lao động do ngày càng nhiều nhân công bị ốm hoặc phải tự cách ly. Trong khi đó, các bệnh viện cũng cảnh báo những ảnh hưởng này có thể gây nguy cơ đối với sự an toàn của bệnh nhân.
Chính phủ Anh hôm 22/12 cho biết đã giảm thời gian tự cách ly Covid-19 từ 10 ngày xuống 7 ngày đối với những người có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với virus corona trong 2 ngày liên tiếp. Thủ tướng Boris Johnson dù trước đó đã bác bỏ việc áp đặt các hạn chế mới trước kỳ nghỉ Giáng Sinh, song ông cũng không loại trừ khả năng tái sử dụng chúng nếu tình hình trở nên xấu đi.
Quá sớm để kết luận Omicron nghiêm trọng hơn Delta
Một quan chức thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 22/12 cho biết, hiện chưa có đủ dữ liệu đối với biến thể Omicron để kết luận liệu chúng có nghiêm trọng hơn biến thể Delta hay không.
“Chúng ta có một số dữ liệu cho thấy tỷ lệ nhập viện (bởi Omicron) thấp hơn”, Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm Kỹ thuật Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, cho biết trong một cuộc họp báo.
Tuy nhiên, bà lưu ý không nên sớm đưa ra kết luận từ dữ liệu ban đầu, vì “chúng ta chưa thấy biến thể này lưu hành đủ lâu trong các quần thể người trên khắp thế giới, nhất là ở những quần thể dễ bị tổn thương”.
Bà Kerkhove cũng cho biết, dữ liệu về Omicron vẫn còn “lộn xộn” khi ngày càng nhiều quốc gia ghi nhận sự xuất hiện và lan rộng của biến thể mới. “Chúng tôi đã và đang yêu cầu mọi người cùng các quốc gia nên thận trọng, và cần phải suy nghĩ thật sự thấu đáo, đặc biệt là khi những ngày nghỉ lễ đang đến gần”.
Nigeria tiêu hủy hơn 1 triệu liều vắc xin Covid-19 quá hạn
Giới chức Nigeria hôm 22/12 tuyên bố đã tiêu hủy hơn 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca đã quá thời hạn sử dụng, nhằm đảm bảo chúng sẽ không bị lưu hành ra bên ngoài.
Việc tiêu hủy diễn ra hơn một tuần sau khi nhiều cơ quan y tế phản ánh rằng, một số liều vắc xin Covid-19 được các nước phương Tây quyên tặng chỉ còn thời hạn sử dụng trong vài tuần. Reuters ngày 7/12 từng đưa tin khoảng 1 triệu liều vắc xin Covid-19 chưa được sử dụng ở Nigeria đã hết hạn từ tháng 11.
Faisal Shuaib, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Chăm sóc sức khỏe ban đầu của Nigeria, nói với các phóng viên rằng sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin ở châu Phi đã buộc Nigeria phải sử dụng những liều vắc xin kể trên.
“Chúng tôi đã thu hồi thành công 1.066.214 liều vắc xin AstraZeneca hết hạn sử dụng. Chúng tôi đã giữ lời hứa sẽ minh bạch đối với người dân Nigeria. Việc tiêu hủy hôm nay là cơ hội để người dân Nigeria có niềm tin vào chương trình tiêm chủng của chúng tôi”, ông Shuaib tuyên bố.
Theo ước tính của WHO, 12.971.729 liều vắc xin Covid-19 đã được sử dụng ở Nigeria tính đến ngày 19/12. Các chuyên gia y tế nhận định, nước này cần tăng gấp 3 đợt tiêm chủng từ hơn 100.000 liều/ngày ở thời điểm hiện tại để đạt mục tiêu tiêm phòng cho hơn một nửa dân số vào cuối năm tới.
Quốc gia đông dân nhất châu Phi, với dân số hơn 200 triệu người, đã ghi nhận tổng cộng 227.378 ca nhiễm và 2.989 trường hợp tử vong bởi Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay.
Nguồn: vietnamnet