Một số nhà phân tích và giới chức quân sự Mỹ cảnh báo căng thẳng giữa Đài Loan và Bắc Kinh đang tăng lên mức cao nhất kể từ giữa thập niên 1990.

Mỹ - Đài Loan xích gần, Bắc Kinh cảnh cáo có cuộc chiến - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đài Loan – bà Thái Anh Văn, cùng các quan chức Đài Loan trong lễ hạ thủy tàu vận tải đổ bộ Ngọc Sơn ở TP Cao Hùng ngày 13-4 

Đài Loan ngày 12-4 cho biết có tới 25 máy bay quân sự Trung Quốc – số lượng máy bay lớn nhất trong một ngày trước nay – đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này. Đây là động thái rất đáng chú ý sau một loạt diễn biến gia tăng căng thẳng gần đây tại eo biển Đài Loan.

Ngày 13-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục cảnh báo Mỹ không “đùa với lửa” về vấn đề Đài Loan, thông điệp này rõ ràng liên quan đến các cuộc tiếp xúc giữa quan chức Mỹ và Đài Loan thời gian qua.

Không bất ngờ

Trung Quốc triển khai số máy bay kỷ lục như trên chỉ khoảng một ngày sau những bình luận đáng chú ý của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về vấn đề Đài Loan trên kênh NBC News hôm 11-4. Ông Blinken cảnh báo bất cứ ai tìm cách thay đổi hiện trạng ở tây Thái Bình Dương bằng vũ lực đều sẽ phạm “sai lầm nghiêm trọng”.

“Những gì chúng tôi chứng kiến, và cũng là mối lo thật sự với chúng tôi, chính là những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh nhắm vào Đài Bắc, làm gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan” – ông Blinken nói.

Cần nhắc lại là hôm 9-4, Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành hướng dẫn mới cho phép các quan chức Mỹ tự do hơn trong việc tiếp xúc với các đại diện Đài Loan, bất chấp sức ép từ Trung Quốc.

Bà Bonnie Glaser – cố vấn cấp cao về châu Á và là giám đốc dự án “Sức mạnh Trung Quốc” tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) – nhận định nguyên nhân dẫn tới động thái của các máy bay Trung Quốc hôm 12-4 cũng không khác với những lần trước đây.

“Mỗi lần Mỹ đưa ra lập trường về Đài Loan mà Trung Quốc không thích hoặc nếu Đài Loan có hành động nào đó mà Bắc Kinh không hài lòng, họ thường tăng cường hoạt động bên trong ADIZ của Đài Loan và đôi khi là quanh một số đảo Đài Loan đang kiểm soát ở Biển Đông” – bà Glaser phân tích.

Đài Loan bắt đầu báo cáo thường xuyên về hoạt động của máy bay Trung Quốc gần hòn đảo này từ tháng 9-2020. Trước diễn biến ngày 12-4, số máy bay quân sự Trung Quốc lớn nhất từng bay vào ADIZ của Đài Loan là 20 chiếc hôm 26-3.

Và ngay trước vụ xâm nhập hôm 26-3 đó cũng đã có một diễn biến đáng chú ý: ngày 25-3, Mỹ và Đài Loan ký thỏa thuận đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tạo cơ sở để lực lượng tuần duyên hai bên tăng cường hợp tác với nhau hơn.

Nguy cơ xung đột quân sự

Trong các tuần gần đây, giới lãnh đạo quân đội Mỹ liên tục cảnh báo về khả năng Trung Quốc tấn công quân sự Đài Loan.

Đầu tháng 3, đô đốc Philip S.Davidson, chỉ huy hiện nay của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (USINDOPACOM) của Mỹ, cho rằng Trung Quốc có thể tìm cách tấn công và nắm quyền kiểm soát Đài Loan trong vòng 6 năm tới.

Sau đó, cũng trong tháng 3, đô đốc John Aquilino – người được đề cử làm tân chỉ huy USINDOPACOM – nhận định khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan “sớm hơn nhiều người nghĩ”. Ông cho rằng Bắc Kinh coi việc giành quyền kiểm soát đối với Đài Loan là “ưu tiên số 1” của họ hiện nay.

Câu hỏi đặt ra với giới quan sát, sắp tới Trung Quốc sẽ làm gì?

Ông Hồ Tích Tiến – tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc – ngày 13-4 “vẽ” ra một kịch bản như sau: “Nếu chính quyền Mỹ và Đài Loan tiếp tục chính sách hiện tại của họ, Trung Quốc đại lục chắc chắn sẽ tăng sức ép quân sự. Nếu họ có các hành động đáng chú ý hơn nữa, tiêm kích Trung Quốc sẽ bay qua đảo Đài Loan để tuyên bố chủ quyền. Nếu các lực lượng Đài Loan khai hỏa, đó sẽ là giây phút có cuộc chiến toàn diện trên khắp eo biển Đài Loan”.

Ông Hồ Tích Tiến cáo buộc cả chính quyền Đài Loan và Mỹ đang thực hiện chiến thuật “cắt lát salami” nhắm tới quan điểm “Một Trung Quốc” và rằng họ mới thật sự là “những người phá hoại” hiện trạng ở eo biển Đài Loan.

Chiến lược “cắt lát salami” là thuật ngữ mà học giả – chuyên gia phân tích quân sự người Mỹ Robert Haddick đã sử dụng đầu tiên để mô tả kiểu chiến lược “có các hành động nhỏ, không đủ để khơi mào cho một cuộc chiến mà nhằm kéo dài thời gian cho một sự thay đổi chiến lược lớn”.

Trong bối cảnh đó, liệu Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan hay không cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Khi được hỏi Mỹ sẽ phản ứng bằng quân sự trong một kịch bản như vậy không, Ngoại trưởng Blinken từ chối bình luận.

Tuy nhiên, ông Blinken nhắc lại việc Mỹ có cam kết lâu dài theo Đạo luật quan hệ Đài Loan, trong đó đảm bảo Đài Loan có khả năng tự vệ.

“Tất cả những gì tôi có thể nói với các bạn là chúng tôi có cam kết nghiêm túc với việc giúp Đài Loan có thể tự vệ. Chúng tôi có cam kết nghiêm túc với hòa bình và an ninh ở tây Thái Bình Dương” – ông Blinken phát biểu hôm 11-4.

Đài Loan tuyên bố “bước ngoặt” mới

Ngày 13-4, Đài Loan hạ thủy tàu vận tải đổ bộ tự đóng đầu tiên ở thành phố Cao Hùng. Con tàu 10.000 tấn này có tên Ngọc Sơn (cũng là tên ngọn núi cao nhất ở Đài Loan) do Tập đoàn CSBC (Đài Loan) đóng với chi phí 162 triệu USD.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn gọi lễ hạ thủy tàu này là “bước ngoặt” trong các kế hoạch đóng tàu chiến nội địa của Đài Loan, theo Hãng tin Reuters.

Chủ tịch Tập đoàn CSBC Trịnh Văn Long nói tàu vận tải đổ bộ Ngọc Sơn sẽ hỗ trợ các đảo của Đài Loan ở xa bờ và nằm gần Trung Quốc trong tình huống xảy ra chiến tranh.

“Trong thời chiến, tàu này sẽ có sứ mệnh tác chiến đổ bộ, đưa quân tiếp viện và chiến đấu để lấy lại các đảo xa bờ” – ông Trịnh nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Đài LoanMỹ - Đàitrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết