Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 22/9 đã cấp phép sử dụng vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech để tiêm liều bổ sung cho người trên 65 tuổi và một số đối tượng nguy cơ cao.
Theo hãng thông tấn Reuters, quyết định được đưa ra sau khi được một hội đồng các chuyên gia độc lập do FDA triệu tập vào tuần trước nhất trí bỏ phiếu tán thành. Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục triệu người dân Mỹ thuộc hai nhóm đối tượng trên đã có đủ điều kiện để tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19 trong khoảng thời gian 6 tháng sau khi tiêm liều thứ hai.
Tuy nhiên, hội đồng đã bác bỏ kế hoạch ban đầu của Nhà Trắng trong việc tiêm liều bổ sung của vắc xin Pfizer/BioNTech cho tất cả các đối tượng từ 16 tuổi trở lên. Họ kết luận, có nhiều điểm khác biệt giữa lợi ích và nguy cơ từ việc tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19 đối với các nhóm đối tượng trẻ tuổi hơn, đặc biệt là nam giới.
Một liều vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech. |
Việc tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech vốn là vấn đề gây tranh cãi của các cơ quan y tế hàng đầu nước Mỹ. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đề xuất cần có thống kê cụ thể và chi tiết những đối tượng thuộc diện “nguy cơ cao” để được tiêm liều thứ 3.
Về phần mình, FDA cho biết nhóm đối tượng trên bao gồm “các nhân viên chăm sóc sức khỏe, giáo viên, nhân viên viện dưỡng lão, nhân viên tạp hóa, người vô gia cư, tù nhân và một số đối tượng khác”.
Ở thời điểm hiện tại, FDA mới chỉ cấp phép tiêm liều bổ sung đối với vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Vì vậy, những đối tượng được tiêm đủ liều vắc xin của Moderna, Johnson & Johnson hay bất kỳ loại vắc xin nào khác được cấp phép ở Mỹ vẫn chưa được tiêm liều bổ sung cho đến khi được FDA chính thức “bật đèn xanh”.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hai liều vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna, hoặc một liều vắc xin của Johnson & Johnson, dù mang lại hiệu quả đề kháng cao trước các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng, song hiệu quả có thể giảm dần đối với các đối tượng cao tuổi.
Nguồn: vietnamnet