Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ đã cảnh báo về “vạn lý trường thành” bằng tên lửa của Trung Quốc trên Biển Đông trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng có nhiều động thái cứng rắn trong khu vực.


Đô đốc Philip Davidson (Ảnh: US Navy)

Đô đốc Philip Davidson (Ảnh: US Navy)

Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương (INDOPACOM) Mỹ, ngày 17/11 đã tới dự Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax ở Canada và có bài phát biểu về tình hình Biển Đông hiện nay. Theo ông Davidson, bằng cách biến các đá ngầm và rạn san hô trên Biển Đông thành các đảo nhân tạo kiên cố, kết hợp cùng các tên lửa đất đối không (SAM) nhằm tiêu diệt máy bay, Trung Quốc đã biến “cái gọi là vạn lý trường thành cát cách đây 3 năm thành vạn lý trường thành SAM quy mô lớn” như hiện nay.

Việc Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa trái phép các thực thể trên Biển Đông, một tuyến giao thương hàng hải quan trọng, đã khiến các nước láng giềng châu Á và Mỹ lo ngại. Những động thái ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đã thách thức các tàu hải quân Mỹ hoạt động tại khu vực mà Washington và các đồng minh coi là vùng biển quốc tế, bao gồm cuộc chạm trán suýt biến thành xung đột giữa hai tàu chiến Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng 9. Các động thái này đã làm dấy lên nguy cơ leo thang thành chiến tranh giữa hai nước.

Theo trang mạng quân sự Breaking Defense, trong trường hợp chiến tranh xảy ra, các căn cứ trên đảo nhân tạo của Trung Quốc có thể trở thành phần nối dài chiến lược xuống phía nam của lực lượng phòng vệ do Bắc Kinh thiết lập trên đất liền nhằm đối phó với các tàu và máy bay Mỹ. Chiến thuật này được gọi là Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (A2/AD).

Khi Trung Quốc đóng thêm tàu chiến cho lực lượng hải quân và tiếp tục quân sự hóa lực lượng tuần duyên, nước này đã khiến hạm đội mà Mỹ có triển khai tới khu vực trở nên “lép vế” hơn, ít nhất nếu tính số lượng tàu của hai nước hiện diện trên biển (mặc dù tàu Trung Quốc thường là tàu nhỏ và có tầm hoạt động hạn chế hơn so với tàu Mỹ).

Theo Đô đốc Davidson, Mỹ cần xây dựng lực lượng hải quân “lớn hơn”. Chỉ huy INDOPACOM cho biết các lãnh đạo Hải quân Mỹ từng nhiều lần kêu gọi tăng số lượng tàu từ 286 chiếc như hiện nay lên 355 chiếc.

“Khi hạm đội của Trung Quốc tiếp tục phát triển, mối quan ngại sẽ càng tăng lên trong những năm tiếp theo”, Đô đốc Mỹ cho biết.

Theo Đô đốc Davidson, một trong những cách để Mỹ có thêm tàu chiến nhằm đối phó với Trung Quốc trên Thái Bình Dương là chuyển chức năng phòng thủ tên lửa đạn đạo từ các tàu khu trục và tàu tuần dương Aegis trên biển sang các hệ thống Aegis và các hệ thống khác trên đất liền. Đây cũng chính là chiến lược mà cả Đô đốc Richardson, tư lệnh phụ trách các chiến dịch hải quân Mỹ, và người tiền nhiệm của ông, Đô đốc Jonathan Greenert, đề xuất trong nhiều năm qua.

Đô đốc Davidson cho biết cấp trên của ông “muốn khôi phục năng lực cơ động cho hải quân” bằng cách chuyển các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo từ dưới biển lên trên bờ. Điều này sẽ cho phép các tàu khu trục và tàu tuần dương Aegis thay thế các hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 đang được triển khai số lượng lớn trên các tàu bằng các bệ phóng thẳng đứng đa năng, từ đó có thể phóng nhiều loại tên lửa như tên lửa hành trình Tomahawk hay tên lửa chống hạm LRASM. Ngoài ra, việc chuyển đổi này cũng cho phép các tàu Mỹ di chuyển tự do trên khắp Thái Bình Dương, thay vì chỉ hoạt động qua lại gần các thành phố nơi các tàu này được giao nhiệm vụ bảo vệ.

Chuẩn bị cho tương lai


Trung tâm chỉ huy Aegis đặt trên bờ (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Trung tâm chỉ huy Aegis đặt trên bờ (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Hệ thống phòng thủ Aegis ban đầu được thiết kế để bảo vệ hạm đội Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích quy mô lớn của Liên Xô. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc đã biến mối đe dọa này quay trở lại với Mỹ. Do vậy, Hải quân Mỹ muốn đưa các tàu Aegis quay lại với sứ mệnh ban đầu.

“Các hệ thống này vẫn còn nhiều tác dụng trên biển nhằm bảo vệ (hải quân Mỹ) trước các tên lửa đạn đạo chống hạm trong tương lai. Chúng tôi vẫn cần hệ thống này để đối phó với các mối đe dọa nhằm vào các lực lượng triển khai trên biển trong tương lai”, Đô đố Davidson cho biết thêm.

Theo ông Davidson, Nhật Bản cũng đã mua 2 hệ thống Aegis ven biển để bảo đảm năng lực phòng thủ tên lửa của nước này. Đầu năm nay, Nhật Bản đã chi 2 tỷ USD để mua 2 trạm radar Aegis đặt trên bờ biển do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Hải quân Nhật Bản đã vận hành phiên bản Aegis đặt trên tàu, trong khi Romania và Ba Lan triển khai Aegis trên đất liền.

Trong khi Trung Quốc đang đóng thêm các tàu nổi, tàu sân bay và tàu ngầm mới với tốc độ chóng mặt, biến hải quân Trung Quốc thành lực lượng lớn nhất thế giới, Đô đốc Davidson cũng “để mắt” tới các động thái của Nga trong khu vực.

“Mặc dù phần lớn các hoạt động của Nga diễn ra tại các khu vực khác trên thế giới, song nước này ngày càng hoạt động tích cực tại Thái Bình Dương”, ông Davidson nói, đồng thời cho biết Moscow đã triển khai 3 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới nhất của nước này tới Thái Bình Dương trong những năm gần đây.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax, Đô đốc Davidson khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục thách thức các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông bằng các biện pháp kinh tế cũng như quân sự. Tương tự bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại hội nghị APEC ở Papua New Guinea cuối tuần trước, Đô đốc Davidson chỉ trích Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để “cưỡng ép” các nước khác nghe theo ý chí của Bắc Kinh và cuối cùng từ bỏ một phần chủ quyền của mình.

“Hợp tác là điều quan trọng. Đối thoại rất quan trọng. Việc xây dựng các giải pháp giúp thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở và tự do cũng quan trọng. Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác ở những mặt có thể hợp tác, nhưng theo như Chiến lược Quốc phòng của chúng tôi đã nêu, chúng tôi sẽ đấu tranh nếu cần thiết. Những rủi ro trong khu vực vẫn rất cao”, Đô đốc Davidson nhấn mạnh.

Theo Dân Trí

Từ khóa : biển Đôngquan hệ Mỹ-Trungtrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết