Đã 4 lần tôi chuyển chỗ ở, từ quê lên thủ đô học đại học, từ ký túc xá ra ngoài thuê trọ sau khi tốt nghiệp, rồi về lại làng quê sau nhiều năm làm việc tại Hà thành và từ nhà mẹ vào Nam định cư. Mỗi lần tôi đều chú ý mang theo tất cả những cuốn sách mình có, xem như cả gia tài, bởi nếu bỏ đi dù chỉ là tập thơ tự chép trên giấy A4 nhưng cũng cảm thấy nhói lòng.
Khi theo chồng vào Nam sinh sống và làm việc, vì bố vốn mê đọc sách nên tôi chỉ mang một số cuốn chưa kịp đọc, bên cạnh những cuốn yêu thích, còn lại để hết ở nhà cho bố. 5 năm sau khi bố mất, tôi tranh thủ gói hết sách mang theo. Tuy không nhiều nhưng mùi sách cũ luôn lưu luyến tôi. Đối với những ai thích đọc sách, mỗi khi cầm cuốn sách cũ trên tay đều có cùng cảm giác, đó có thể là kỷ niệm gắn bó cùng bạn bè, người thân.
Xuống xe, chồng đón tôi, nhìn thấy những thùng toàn sách, anh cáu rằng: “Mang theo nhiều sách để làm gì, ở đây hiệu sách đâu thiếu”. Tôi im lặng, tính ra 5 thùng sách đầy ắp như vậy chở về đến nhà có nổi cáu cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng khi giúp vợ chia sách thành từng nhóm đặt vào giá thì anh tủm tỉm: “Đúng là có những cuốn nếu bỏ đi, khi tìm lại chưa hẳn đã thấy, như “Ký” của Nguyễn Tuân do NXB Văn học xuất bản năm 1976”. Nghe vậy, tôi hạnh phúc nói với chồng: “Sau này, các con sẽ được đọc những cuốn sách chúng ta đã từng đọc. Với mỗi cuốn sách, có những tác giả còn sống, cũng nhiều người đã mất. Nhưng tất cả nguyện ước họ gửi vào sách vẫn mãi vẹn nguyên”.
Mỗi người có thể vì giá trị của mỗi cuốn sách mà lựa chọn bỏ đi hoặc giữ lại. Tuy nhiên, khi lật giở những cuốn sách cũ do bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô… viết hoặc được tặng, cho, có thể giá trị mang lại không quá cao nhưng tôi cũng như bạn vẫn thấy hạnh phúc khôn nguôi.
Theo Báo Bình Phước