Thiếu nguồn vốn và cơ chế chính sách, mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đang có nguy cơ gặp khó, ngay từ bước khởi đầu.

Khó nhiều bề

Đầu tháng 4/2022, Công ty Hòa Bình tổ chức lễ khai trương căn hộ mẫu nhà ở xã hội. Dự kiến ngay trong tháng 4, Hòa Bình bắt đầu khởi công xây dựng dự án tại Vĩnh Hưng, TP. Hà Nội. Nhưng đến nay, dự án này chưa thể triển khai do vướng mắc về thủ tục.

Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lan Hưng, cho biết, doanh nghiệp có những trường hợp, dự án nhiều năm không xong thủ tục, gây rất nhiều khó khăn. Trong khi, đây là phân khúc đáp ứng nhu cầu rất lớn của người mua nhà, cần được tạo điều kiện để phát triển.

Chưa kể, doanh nghiệp muốn bán nhà ở xã hội, phải gửi danh sách về Sở Xây dựng kiểm tra và phản hồi lại. “Tôi được biết đang có khoảng 1.800 hồ sơ xin kiểm tra. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ số hồ sơ này mới được phê duyệt xong. Hệ quả là doanh nghiệp chưa bán được nhà, có khi 2-3 năm cũng không xong, gây chậm thu hồi vốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh”, ông nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, đánh giá, thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện dự án. Một dự án nhà ở xã hội phải mất khoảng 3-5 năm, làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa được vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%.

Mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội 

Hiện, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn; đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn. Kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, đến nay mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu.

Trong giai đoạn 2016-2020, không có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Điều này khiến các doanh nghiệp lo rằng, mục tiêu mà Bộ Xây dựng mới đây đã trình Chính phủ xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 sẽ rất thách thức.

Tìm nguồn vốn 

Luật sư Nguyễn Vĩnh Quỳnh, Công ty Luật Hợp danh Minh Bạch, cho rằng, doanh nghiệp phải mất khoảng 5 năm để hoàn thiện một dự án nhà ở xã hội nên mức lợi nhuận tối đa hàng năm đối với dự án nhà ở xã hội chỉ khoảng 2%. Mức lợi nhuận này đối với một dự án kinh doanh bất động sản là rất thấp.

Nhiều vướng mắc triển khai nhà ở xã hội.  

Theo ông Quỳnh, cần thống nhất quy định trong các văn bản pháp luật về loại đất để xây dựng nhà ở xã hội. Chế độ ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội cần được cải thiện bằng các công cụ như vốn vay, giảm bớt thủ tục hành chính, nâng mức lợi nhuận tối đa.

Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, về lâu dài cần bố trí nguồn chi ngân sách Nhà nước trung hạn trong mỗi giai đoạn 5 năm để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Cần xem xét bổ sung danh mục chi ngân sách Nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành để “Chi tái cấp vốn, cấp bù lãi suất để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.”

Qua đó, có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội thông qua việc tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cấp tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội.

Báo cáo Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng cần sửa đổi Luật Nhà ở để đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu cũng như các văn bản liên quan, ưu tiên chính sách, điều kiện hưởng cho người thu nhập thấp cũng như quy hoạch, phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : nhà ở xã hội

Các tin liên quan đến bài viết