Cơn mưa trái mùa như trút nước chiều tối 14 và 15-1 khiến nhiều nhà vườn ở TP.HCM, ĐBSCL “méo mặt” lo hoa bị thiệt hại.
Mưa trái mùa đe dọa hoa tết
Ông Huỳnh Thiện Hoàng (Bến Tre) bán mai ở Bến Bình Đông, Q.8, TP.HCM ngắt bỏ hoa nở sớm do bị mưa

Tại TP.HCM, ngày 15-1 đi dọc các cung đường Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng, quốc lộ 13 (Thủ Đức), quốc lộ 1 (đoạn qua quận 12)… có rất nhiều chậu mai nụ ươm xanh, thậm chí nở vàng. Theo nhiều nhà vườn, nếu còn mưa thêm, lượng mai năm nay ra hoa đúng tết sẽ giảm mạnh.

Khắp nơi hoa nở sớm
Hớn hở chưng gần 50 chậu mai loại lớn có giá ước tính 40-80 triệu đồng ra đường bán tết nhiều ngày qua, nhưng đến nay ông Nguyễn Văn Hạnh (vườn mai Út Nhỏ, Linh Đông, Thủ Đức) chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Theo ông Hạnh, một tuần trước đã có trận mưa làm nhiều cây nở sớm, mấy ngày nay tiếp tục mưa nên số cây “mất tết” càng tăng. Lo lắng thời tiết tiếp tục bất thường, ông Phan Xuân Thông (chủ vườn mai Minh Thùy, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) đánh giá năm nay trúng hay thua tùy thuộc vào ngày lảy (ngắt) lá mai. Thời tiết thuận lợi thì tính từ lúc lảy lá đến khi mai nở là 14-15 ngày. Nếu lảy lá xong mà gặp trời mưa kéo dài thì mai không thể bung được vỏ lụa, nụ sẽ không bung ra, coi như mất trắng. Nếu nụ bung ra nhưng gặp thời tiết lạnh hơn dự kiến thì thời gian nở sẽ kéo dài thêm, có thể phải qua tết. Trái ngược với cảnh nở sớm của hoa mai, mưa nhiều lại làm một số loại hoa khác nở muộn. Dù chỉ còn vài ngày nữa là thương lái gom hoa bán tết, nhưng không khí vui vẻ tại đường Lê Thị Riêng (quận 12) nay đã vơi đi nhiều. Trồng hơn 700 chậu cúc các loại, nhưng ông Nguyễn Văn Đô cho biết chỉ 
60-65% kịp bán tết. “Mưa nhiều từ lúc trồng đến lúc thu hoạch nên cúc không lớn, ra hoa rất chậm” – ông Đô nói và nhận định: trừ mào gà ít bị ảnh hưởng và một ít hoa hướng dương, còn hầu hết từ cây nhỏ như dừa cạn, cát tường đến loại lớn như cúc, vạn thọ chất lượng hoa năm nay sẽ bị giảm mạnh do thời tiết.
Đau đầu vì vạn thọ “mắc mưa”
Tại huyện Chợ Lách và huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), nhiều nhà vườn đang đứng ngồi không yên khi những chậu cúc vạn thọ vừa bung hoa bị mắc mưa. Nước mưa thấm vào các cánh hoa, đọng lại khiến bông hoa nặng trĩu xuống, dễ gãy. Anh Nguyễn Minh Nhị, người trồng hoa lâu năm tại huyện Chợ Lách, cho biết cách duy nhất để tránh hoa gãy là dùng tay lay nhẹ để nước rớt khỏi bông. Tuy nhiên, cách làm này chỉ áp dụng được khi trời ngớt mưa. Cơn mưa tối 14-1 cũng khiến nhiều nông dân trồng hoa tại làng hoa Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) phải thức dậy từ sớm để rửa hoa. Theo anh Nguyễn Văn Hùng – ngụ xã Tân Khánh Đông, mưa kéo dài vào ban đêm rất độc đối với hoa tết, đặc biệt là những loại hoa nhạy cảm như vạn thọ, cúc tiger, hoa hồng… “Nếu không rửa nước ngay vào sáng sớm thì bông sẽ hư, thối khiến nhà vườn thiệt hại nặng” – anh Hùng cho biết. Anh Nguyễn Thanh Phong, nông dân trồng hoa tại huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), cho biết năm nay nhà anh trồng trên 4.000 chậu cúc vạn thọ. Mưa trái mùa khiến bông hoa dễ gãy nên tại bãi đất rộng hàng chục hecta cạnh UBND huyện Mỏ Cày Bắc, người dân đang phải thay nhau canh… khách du lịch để nhắc nhở, tránh làm hỏng hoa.
Lo cứu hoa tết
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, để hạn chế mai nở sớm do mưa, nhiều nhà vườn bao nụ bằng keo hoặc kiên trì tưới nước nhằm làm giảm sốc nhiệt cho cây khi trời mưa. Tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Bọc keo sẽ làm nụ dễ bị hư, thậm chí hư luôn cành, tưới nước quá nhiều khiến cây dư nước làm hoa nhỏ lại” – ông Hạnh nói. Hơn 150 chậu mai cũng đã được vườn mai Vũ Hiền đưa ra đường Phạm Văn Đồng bán tết, nhưng đến nay phải tìm cách bán ra các vùng có thời tiết lạnh để hạn chế thiệt hại. Đang khẩn trương đóng những chậu mai đem bán ra Hà Nội, ông Vũ – đại diện vườn mai này – cho biết nắng mưa xen kẽ nên mai năm nay hầu hết đều có nụ nở sớm, trong khi cây có 60-80% nụ đã nở coi như khỏi bán tết. “Những cây này đem ra Hà Nội, gặp lạnh sẽ nở đúng tết” – ông Vũ nói. Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm – trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách – cho biết đợt mưa trái mùa sẽ gây bệnh cho nhiều loại hoa, cây dễ bị gãy. Ông Liêm khuyến cáo người dân nên dùng hợp chất để giữ cánh hoa cho cây mai, đồng thời tăng sức đề kháng cho cây cúc bằng các loại phân bón lá để giảm thiệt hại. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng – phó giám đốc Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp, với những loại hoa nhạy cảm với thời tiết như hoa hồng, cúc tiger, nhà vườn cần học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để đối phó. “Mưa nắng cùng với ẩm độ bất thường là điều kiện để sâu bệnh phát triển. Nông dân cần trang bị kiến thức, làm hệ thống nhà màng, nhà lưới để hạn chế bớt thiệt hại” – ông Hùng nói.

Không khí tết “cập bến” Bình Đông

Mưa trái mùa đe dọa hoa tết
Những vị khách sớm mua hoa tết tại bến Bình Đông, Q.8, TP.HCM 

Mấy ngày nay, tại bến Bình Đông, Q.8 không khí nhộn nhịp, tấp nập. Nhiều chiếc thuyền chở hoa từ miền Tây cập bến Bình Đông với nhiều loại hoa, cây cảnh. Năm nay, đa số loại hoa tại bến Bình Đông đều là những mẫu mới, đa dạng về chủng loại. Anh Trần Văn Phương – quê Bến Tre, bán hoa tết tại bến Bình Đông hơn 10 năm nay – cho biết thị trường hoa tết năm nay có nhiều giống mới như dâu Đà Lạt chưng chậu cảnh, đu đủ cảnh vàng, cúc Hà Lan… Một tiểu thương khác là bà Nguyễn Thị Thanh – quê Tiền Giang – cho biết để đáp ứng nhu cầu cây cảnh mới, năm nay bà nhập thêm một số giống cây mới như đu đủ cảnh vàng, ớt cảnh và một số cây bonsai nhỏ…Đã thành thông lệ từ hơn chục năm nay, cứ đến giữa tháng chạp là tiểu thương bắt đầu giong thuyền đến đây kinh doanh các mặt hàng cây cảnh ngày tết. Mặc dù chưa vào mùa cao điểm mua bán hoa tết, nhưng không khí nhộn nhịp tại bến Bình Đông thời điểm này khiến không ít người Sài Gòn cảm nhận không khí xuân đang về rất gần.

Nhiều loại hoa ngoại về VN đón tết: Tại TP.HCM, các cung đường Thành Thái, Bắc Hải (Q.10), Phạm Văn Đồng (Thủ Đức)… đã xuất hiện những dãy dài hoa cây kiểng chưng bán tết với hàng trăm chủng loại từ khắp nơi đổ về. Như địa lan Đài Loan, Trung Quốc được nhập về khá nhiều với giá bán dao động 800.000 – 900.000 đồng/chậu đang thu hút nhiều khách mua chưng tết. Theo đại diện cửa hàng hoa lan KC (Phú Nhuận), địa lan được nhiều cửa hàng bày bán chủ yếu lấy từ Lâm Đồng và một ít nhập khẩu. Hàng nhập có giá chỉ bằng một nửa so với trong nước nhưng chất lượng không bằng. Hiện hồ điệp Đà Lạt mỗi cành hoa được cửa hàng bán ra có giá dao động 200.000 – 350.000 đồng tùy loại, mỗi cây có trung bình 2-4 cành. Bonsai phát tài năm nay được thiết kế đa dạng với hàng trăm chủng loại có giá từ vài trăm ngàn đến cả chục triệu đồng/chậu, được một cửa hàng trên đường Thành Thái (Q.10) nhập từ Đài Loan thu hút nhiều người mua. Kim ngân lượng, đỗ quyên… cũng được nhập về nhiều. Năm nay có nhiều chậu bonsai mini hình con gà cũng đang được người bán tập kết về TP.HCM bán tết.
Hoa lan ít bị ảnh hưởng: Với hoa lan có khả quan hơn. Ông Nguyễn Anh Dũng, phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Củ Chi, cho biết những cơn mưa trong tháng giáp tết không ảnh hưởng đến người trồng hoa lan. Bởi thời điểm quan trọng nhất của vụ lan tết đã qua cách đây gần 2 tháng, khi lan bắt đầu ra hoa. Đến nay, hoa lan đã sẵn sàng đưa ra thị trường tết. Các nhà vườn lan đều đầu tư hệ thống lưới che phía trên nên mưa lớn cũng không ảnh hưởng đến chất lượng hoa. “Thực tế hoa lan dendro đã được thương lái đặt mua hết, chỉ còn lại hoa lan mokara đợi bán tết” – ông Dũng nói. Theo ông Dũng, năm nay Củ Chi vẫn duy trì khoảng 150ha lan mokara và dendro. Trong khi lan dendro hút hàng thì lan mokara tiêu thụ chậm hơn so với mọi năm. Hiện giá bán loại lan này dao động ở mức 130.000 – 140.000 đồng/cây 2 bông, chỉ ngang bằng so với tết năm ngoái.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cúc vạn thọhoa lanhoa tếtmưa trái mùanhà vườnthời tiết

Các tin liên quan đến bài viết