Đang mùa dịch COVID-19 phải giãn cách, nhiều người dân có nhu cầu mua thuốc men, xem các quảng cáo và mua thuốc trên mạng đã dính phải “bẫy lừa”.

Mua thuốc tại nhà, coi chừng tác hại - Ảnh 1.

Quảng cáo thuốc chữa bệnh trên FB

Mới đây, ông T.B.H. ở TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) nhận được liệu trình 4 hộp viên sủi nhãn hiệu B. mà theo giới thiệu là sản xuất trong nước theo công nghệ Đức. Ông H. cho biết ông thấy quảng cáo sản phẩm này rất nhiều trên mạng xã hội và tivi, có cả diễn viên quảng cáo nên tin và mua dùng. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày dùng thuốc này (cắt tất cả các thuốc đang uống trước đó), ông H. có hiện tượng cứng các khớp, không tự đứng và đi được.

Coi chừng tật mang

Theo thông tin từ gia đình ông H., ông mua liệu trình 3 hộp viên sủi hiệu B. kể trên và được tặng thêm 1 hộp, giá theo quảng cáo là đang “khuyến mãi” nên giảm còn 750.000 đồng/hộp. Ông mua thuốc này vì sau đợt phẫu thuật đầu năm 2020 chân ông có yếu hơn trước, phải sử dụng xe hỗ trợ khi di chuyển, tuy nhiên do dùng thuốc bác sĩ kê đều kèm theo tập vật lý trị liệu nên gần đây ông đi lại khá hơn, có thể sớm bỏ được xe hỗ trợ.

“Tôi bắt đầu uống ngày 2 lần 2 viên sủi và 4 viên con nhộng được tặng thêm từ 7-7, đến 9-7 khi đang tắm thì bất chợt bị ngã, các khớp cứng lại, từ đó đến nay không đứng được nữa, không đi được, phải di chuyển hoàn toàn bằng xe lăn” – ông H. thông tin.

Người nhà ông H. cho biết sau khi thấy ông có các phản ứng xấu như trên đã liên lạc với nhà sản xuất và phân phối loại được gọi là “thuốc” mà ông đã mua. Từ 10-7 có 3 người liên lạc, tất cả đều nói chung chung là hiện sản phẩm B. này đang có hàng giả, sẽ báo cáo giám đốc, nhưng không có trả lời thỏa đáng cho gia đình. “Gia đình chúng tôi rất bất bình” – vợ ông H. cho biết.

Việc mua – bán trực tuyến, kể cả mua bán thuốc chữa bệnh, là một xu thế mới, nhưng gần đây có vô số người đã “tiền mất tật mang” khi uống thuốc “trời ơi” mua qua mạng. Gần đây, các nghệ sĩ nổi tiếng như Q.L., H.V… cũng đã phải xin lỗi vì quảng cáo các thuốc kém chất lượng trên trang cá nhân. Tình trạng lạm dụng tên tuổi nghệ sĩ, bác sĩ nổi tiếng để quảng cáo và bán thuốc trực tuyến đã đến mức tinh vi.

Theo thông tin từ gia đình một bệnh nhân ở Hà Nội, gần đây ông có mua loại thuốc quảng cáo trên mạng, tên bác sĩ nghiên cứu ra thuốc trên quảng cáo là bác sĩ nổi tiếng ở Bệnh viện 108, nhưng khi nhận được thuốc thì, nhìn theo dấu bưu điện, thuốc được gửi từ Tuyên Quang và người sản xuất ra thuốc này lại ở… Điện Biên. Bác sĩ Bệnh viện 108 xuất hiện trên quảng cáo là bị mạo danh.

Xử lý quảng cáo thuốc qua mạng: chặng đường trần ai

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sản phẩm viên sủi B. kể trên đăng ký quảng cáo tại cục là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Về tác dụng, sản phẩm chỉ có tác dụng “hỗ trợ khớp xương chắc khỏe, vận động linh hoạt, hỗ trợ giảm triệu chứng sưng, đau, giảm nguy cơ thoái hóa khớp”.

Nhưng trên thực tế, sản phẩm này được quảng cáo trên mạng có tác dụng “đẩy lùi các bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, tái tạo màng sụn khớp, tăng tiết dịch khớp, hoàn toàn không có tác dụng phụ…”.

Nhờ quảng cáo dày đặc như thế nên người bệnh, đặc biệt là người lớn tuổi, đặt mua khá nhiều. Trên một trong số trang web quảng cáo sản phẩm có tên và clip nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm này, nhưng khi chúng tôi click vào clip để xem thực tế thì đều không mở được.

Bà Trần Việt Nga, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết khi nhận được khiếu nại về các quảng cáo thực phẩm chức năng quá mức trên các trang mạng xã hội, cục đã tìm đơn vị phát hành quảng cáo để xử phạt. Nhiều trường hợp không tìm được đơn vị phát hành.

“Những trường hợp không tìm được, chúng tôi đều chuyển sang Bộ Thông tin và truyền thông để đề nghị hỗ trợ, nhưng tỉ lệ Bộ Thông tin và truyền thông tìm được cũng rất thấp, khoảng vài phần trăm, do họ đặt máy chủ ở nước ngoài hoặc dùng chiêu trò để quảng cáo” – bà Nga cho biết.

Có những trường hợp cơ quan chức năng phải gửi thông báo đến Facebook hoặc các đơn vị đăng, phát quảng cáo khác, nhưng có khi phải gửi tới 2-3 lần quảng cáo mới được gỡ, và trong thời gian đó đã có hàng trăm hàng ngàn người mua “thuốc”, dẫn đến tiền mất tật mang.

Gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh người dân không ra đường và hay mua hàng trên mạng, đã có một số sản phẩm quảng cáo lố bị cơ quan chức năng xử lý. Nhưng phạt lớp này lại có lớp khác xuất hiện, lại tiếp tục thay tên đổi họ và tiếp tục quảng cáo “trên trời”. Nếu ngành y tế không sớm có hình thức xử lý chặt chẽ, người tiêu dùng sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : dịch COVID-19Mua thuốcMua thuốc trên mạngQuảng cáo thuốc

Các tin liên quan đến bài viết