Thời điểm này, những học sinh lớp 12 đang miệt mài ôn luyện trên chặng nước rút để kết thúc chặng đường phổ thông và bước vào một giai đoạn mới: học chuyên nghiệp. Dù không có ý định làm nhụt chí những học sinh đang lo lắng hoặc đang háo hức bước vào kỳ thi THPT quốc gia và từ đây có thể chọn cho mình một ngôi trường đủ sức, đủ yêu thích để vào học tiếp 4 hoặc 5 năm nữa, nhưng câu chuyện về những kỹ sư, thạc sĩ, cử nhân cất bằng đi làm công nhân, thậm chí chạy xe ôm hoặc học lại trung cấp nghề vẫn thôi thúc tôi viết lên những dòng này.

Vừa rồi có việc xuống thành phố Hồ Chí Minh và phải di chuyển nhiều nơi nên tôi sử dụng xe ôm trực tuyến. Trên đường đi, tôi có nói chuyện với anh xế trẻ. Anh bạn sượng sùng thú nhận, mình từng là kỹ sư tin học, tốt nghiệp từ năm 2013 nhưng không tìm được việc làm. Về quê chẳng biết làm gì, anh đành ở lại thành phố ở trọ và sung vào đội quân chạy xe ôm. Sợ cha mẹ buồn lo nên anh nói dối là đã tìm được việc làm, chỉ có điều mới ra trường nên lương hơi thấp. Cha mẹ anh mừng lắm, đi khoe hết làng trên xóm dưới là thằng bé nhà tôi đã tìm được việc làm ở thành phố rồi!

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại điểm thi Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước

Cách đây không lâu, em Đồng Thị Ngân, cựu thủ khoa đầu ra của Trường đại học Thương mại chia sẻ trên mạng xã hội hành trình gian nan đi tìm việc đã gây xôn xao dư luận. Tốt nghiệp đại học năm 2013 với tấm bằng đỏ trên tay, tưởng rằng con đường sự nghiệp sẽ thênh thang sau khi ra trường, nhưng mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Cựu thủ khoa này chia sẻ: Tôi đã nộp hồ sơ rất nhiều nơi, cả đi nộp trực tiếp lẫn trực tuyến nhưng rất ít nơi gọi tôi đi phỏng vấn. Sau khi được 2 công ty gọi đi phỏng vấn nhưng tôi vẫn không được nhận vào làm. Tôi có gửi email hỏi họ lý do để có thể trau dồi và sẽ rút kinh nghiệm cho các cuộc phỏng vấn sau, nhưng họ yêu cầu tôi phải có kinh nghiệm và cho biết nếu tôi có làm ở đây cũng chỉ là tạm thời. Vì Nhà nước đã có các chính sách đãi ngộ riêng với những đối tượng như tôi nên khi có cơ hội tôi sẽ đi luôn mà không gắn bó lâu dài với công ty họ. Họ nói vậy nhưng đã 3 năm trôi qua, tôi chưa hề nhận được bất kỳ đãi ngộ nào. Và cuối cùng, nữ thủ khoa ấy đành làm tạm những công việc phổ thông để trang trải cuộc sống và đều là những công việc không đúng chuyên ngành được học. Thật nực cười, với sinh viên vừa mới ra trường mà cơ quan tuyển dụng lại “đòi” hai hoặc ba năm kinh nghiệm thì khác nào đánh đố!?

Trường hợp của em Ngân chỉ là một trong hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học có, thạc sĩ có, bằng khá, giỏi cũng có đang phải vất vưởng làm những công việc không đúng chuyên môn, thậm chí là lao động phổ thông. Mà với các cơ sở sản xuất – kinh doanh chỉ sử dụng lao động phổ thông cũng không muốn tuyển dụng những người như họ, bởi người ta nghĩ có bằng cấp, họ sẽ không toàn tâm toàn ý với công việc và có thể nghỉ bất cứ lúc nào. Thành thử nhiều cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ phải lén lút giấu chuyện mình đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ (như thể đó là một hạn chế) để được nhận vào làm những công việc phổ thông, để có thu nhập nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Bây giờ, đội ngũ công nhân, xe ôm, nhân viên bán hàng, bồi bàn… trình độ cao với bằng kỹ sư, cử nhân, thậm chí thạc sĩ trong tay chẳng hiếm gì ở các thành phố lớn. Và ngay tại Bình Phước, rất nhiều em tốt nghiệp đại học đang đầu quân làm công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại sao những người được ăn học đàng hoàng vẫn không có việc làm tử tế? Phải chăng xã hội quá khắc nghiệt, số phận của họ quá bạc bẽo hay vì điều gì khác!?

Nhớ lại khoảng hơn chục năm trước, nhà nào có con đậu đại học là cả làng đến ăn mừng, oách lắm. Bằng cấp thời đó quan trọng đã đành, cơ hội việc làm cũng dễ dàng hơn. Còn bây giờ, có những trường hơn 90% học sinh đậu đại học, có nhiều lớp 100% đậu đại học. Ở nhiều cơ quan, 100% con em cán bộ vào đại học, trong khi cơ hội việc làm ngày càng khó. Thế nhưng vì bệnh sĩ, cái “mác”   đại học đối với nhiều gia đình, nhiều em vẫn còn ghê gớm lắm, dù nó đã bị “hạ giá” đi nhiều rồi. Bây giờ người ta hỏi thăm nhau là mặc nhiên hỏi “cháu học trường nào – trường đại học?”. Có những học sinh suốt 12 năm đến trường chẳng thiết tha gì học hành, cứ làng nhàng rồi cũng mỗi năm mỗi lớp. Nhưng vì hai chữ “sĩ diện” nên cũng đăng ký đại một trường đại học top dưới nào đó, gia nhập đội ngũ “sinh viên” để rồi 4-5 năm sau chẳng biết làm gì, lại bơ vơ… thất nghiệp!

Thời nào cũng thế, học vấn là rất quan trọng. Nhưng nếu các em và cả các bậc cha mẹ cứ mặc nhiên coi học đại học là nắm chắc chiếc vé vào đời thì có lẽ hàng trăm ngàn sinh viên đang ảo tưởng và phí hoài 4-5 năm thanh xuân. Sĩ diện, bằng cấp sẽ chẳng là gì – nếu nó không làm cho chúng ta trưởng thành hơn và giúp chúng ta trở thành công dân có ích cho gia đình và cho đất nước.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : bằng kỹ sưchạy xe ômcử nhânthạc sĩ

Các tin liên quan đến bài viết