Giữa mùa mưa, tre rừng mọc nhiều măng. Không phí quà tặng tự nhiên, người dân luồn rẫy hái măng. Khi vai đã trĩu nặng, nhiều người không đem bán hết trong ngày mà đưa về phơi khô bán, cũng có người để dành sử dụng quanh năm.

Mùa mưa, những gia đình không đất sản xuất ở huyện Đồng Phú sống phụ thuộc làm công, tranh thủ trên đường lên rẫy cạo mủ, dọn vườn thuê để hái măng. Những ngày rỗi, họ tập trung vào rẫy từ mờ sáng tìm măng. Nhờ đó các gia đình có thực phẩm hằng ngày, ngoài ra còn dành những bụm ngon nhất, to nhất đem phơi khô rồi bán. Ông Nguyễn Văn Tèo (56 tuổi, ngụ xã Tân Hòa) đi hái măng rừng từ nhỏ cho biết: “Khi kiếm được chụm măng nằm sâu trong bụi tre là mừng lắm, lúc đó không ai để ý đến gai tre rừng cào chi chít cánh tay, lông măng bám ngứa cả mặt. Gốc càng đặc, bụm măng càng nặng, ăn ngon và giá bán cao hơn bụm ngọn dài. Măng hái về đem luộc, phơi khô để bán”.

Bà Chiêm Thị Thanh Vân (vợ ông Tèo) đang phơi măng rừng

Ưu điểm của măng rừng đậm mùi vị tự nhiên, ngọt xen hơi đắng của rừng, thơm đặc trưng nên bụm lớn, bé nào cũng đều nấu được nhiều món ngon, như măng tươi nướng (đồng bào dùng đãi khách quý), măng rừng tươi xé miếng rim cá nục, xào lá mắc mật, măng kho thịt, măng tươi luộc thái miếng dày vừa đủ trộn đậu phộng rang ăn cùng rau húng quế… Đặc biệt, các món ăn không biết ngán vào những ngày tết như: bung nấu măng, xáo măng, ngọn măng xào lòng gà… càng làm cho măng rừng trở thành đặc sản. Bấy giờ, nhu cầu tăng, trong khi chưa đến mùa măng, nhà nhà phải tìm mua mới có măng rừng khô.

Ông Tèo cũng cho biết, giá măng rừng ngày thường (đúng mùa) đã ở mức 25-30 ngàn đồng/kg tươi, 250 ngàn đồng/kg khô. Ngày tết 300 ngàn đồng/kg khô, có khi lên tới 400 ngàn đồng hoặc cao hơn. “Đắt hơn tôm tươi” vậy mà nhiều gia đình ưu ái chọn mua. Ông Tèo tính, mùa mưa có bao nhiêu tháng thì mùa măng kéo dài bấy nhiêu. Bình quân ông cùng vợ tranh thủ đi làm rẫy hái măng rừng 3 lần/tuần, đi hái chính 2 ngày/tuần thu về khoảng 80kg, phơi khô còn 8kg. Mỗi mùa mưa thu được khoảng 200kg măng khô, đến gần tết còn khoảng 70kg. Mỗi năm thu nhập 6-8 tháng từ măng được gần 30 triệu đồng. So với thu nhập của các gia đình làm lao động tự do, khoản tiền này giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt… Vì vậy, cứ đến mùa mưa, mọi người lại đi hái măng làm thực phẩm và phơi khô bán.

Cụ Làu A Sáng sống cùng con trai tại ấp Suối Cam, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) năm nay 86 tuổi. Đến mùa mưa cụ vẫn đều đặn đi hái măng, ăn không hết cụ biếu hàng xóm, người thân, số còn lại đem phơi khô ăn dần. Mỗi tháng cụ đi hái 3-4 lần, thu 2kg măng khô. Thường ngày, con trai cụ đi làm thuê 5-7 ngày mới về. Khi hết thức ăn, chợ xa, cụ Sáng lại lấy măng khô ra nấu. Từ lâu nay, món ăn “thủy chung” trong bữa cơm của gia đình cụ là canh măng.

Măng khô không chỉ là “cần câu cơm” của những người nghèo khó khi họ đi hái đúng vụ, bán trái vụ, mà còn là thức ăn chính trong những bữa cơm của gia đình neo người hoặc không có điều kiện đi chợ xa. Và từ sản vật của tự nhiên, măng rừng phơi khô – món ăn dân dã, đã trở thành “đặc sản” của bao người.

Từ khóa : ấp suối camchế biến măng khômăng khômùa măng khôxã tiến thành

Các tin liên quan đến bài viết