Riêng hồ thủy điện Hòa Bình ngày 11-10 đã có lúc phải mở đến 8 cửa xả đáy vì mực nước trong hồ rất cao và lượng nước đổ về rất lớn.
Tại cuộc họp của thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai chiều nay 11-10, đại diện Bộ Công thương cho biết trước tình hình mưa lũ ồ ạt diễn ra trên diện rộng, hiện 31 hồ chứa thủy điện đã đồng loạt xả lũ.
Trong đó khu vực phía Bắc có 27 hồ chứa, khu vực Bắc Trung Bộ có 4 hồ chứa tiến hành xả lũ.
Riêng 2 hồ lớn nhất là thủy điện Hòa Bình và Sơn La có mực nước và lưu lượng nước vào hồ tăng cao.
Cụ thể, mực nước tại hồ thủy điện Sơn La hiện ở mức gần 215m, lưu lượng nước vào hồ là 1.667m3/s và đang có dấu hiệu tăng.
Hiện nhà máy đang tạm dừng không phát tổ máy nào, đơn vị quản lý vận hành tiếp tục theo dõi để có hướng xả lũ kịp thời.
Trong khi đó, tại hồ thủy điện Hòa Bình, mực nước đã đạt 117,37m, lưu lượng về hồ lên tới 15.940m3/s. Từ tối 10-10 đến nửa ngày 11-10, hồ liên tục phải mở đến 8 cửa xả đáy. Đến chiều 11-10, nhờ lưu lượng nước về hồ và mực nước giảm, một cửa xả được đóng, chỉ còn xả ở 7 cửa.
Về hồ chứa thủy lợi, theo Tổng cục Thủy lợi, hiện có gần 3.000 hồ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã đầy nước, trong đó có 160 hồ lớn đã đầy và khoảng 20% hồ nhỏ có biểu hiện tràn.
Các hồ như Cửa Đạt, Sông Mực, Đồng Chùa (Thanh Hóa), Vực Mấu, Sông Sào (Nghệ An), Sông Rác, Thượng Sông Trí, Kim Sơn, Tàu Voi (Hà Tĩnh), Thác Chuối (Quảng Bình) đều đã phải xả nước.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu với 31 hồ thủy điện nói trên, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai để đảm bảo an toàn cao nhất cho công trình, sẵn sàng đón lũ và cắt lũ trong các tình huống xấu.
Với các hộ thủy lợi, ông Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi tiếp tục làm việc với các tỉnh rà soát toàn bộ hệ thống đê bao và những điểm xung yếu để có giải pháp khắc phục kịp thời.
Nguồn: tuoitre.vn