Tại TPHCM, không khó để tìm một đầu mối cung cấp hóa đơn thuế giá trị gia tăng (VAT) qua mạng xã hội Facebook hay Zalo. Chỉ cần người mua chốt đơn là “hàng” sẽ được giao đến tận nhà.

Chúng tôi thử liên hệ số 0928202… đặt vấn đề cần hóa đơn mua bán hoa tươi. Chủ tài khoản tên Duy T.T. báo phí là 3% nếu giá trị hóa đơn dưới 500 triệu đồng, 2,5% nếu giá trị hóa đơn trên 500 triệu đồng và phí 2% nếu giá trị hóa đơn trên 1 tỷ đồng. Hóa đơn sẽ được xuất từ công ty TNHH MTV N.C. (trụ sở tại Q.Tân Bình, TPHCM). Người này gửi cả giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp với đầy đủ mã số thuế.

Mua bán hóa đơn VAT dễ như mua kẹo
Các đối tượng buôn bán hóa đơn VAT chủ yếu sử dụng mạng xã họi để giao dịch 

Ngoài việc rao bán hóa đơn đỏ (hóa đơn VAT), các đối tượng còn nhận bán hóa đơn điện tử. Từ số điện thoại chào bán qua Zalo, chúng tôi liên hệ với M.Q., người này cho biết, có nhận làm hóa đơn điện tử, tất cả đều giao dịch online. Theo đó, Q. sẽ gửi mẫu hóa đơn qua Zalo cho chúng tôi kiểm tra thông tin, nếu đồng ý thì công ty sẽ ký tên (bằng chữ ký số) rồi gửi hóa đơn sang email chúng tôi. Công ty không nhận xuất một hóa đơn có giá trị cao mà xé lẻ nhiều hóa đơn giá trị nhỏ, nếu xuất dưới 10 triệu đồng, mức phí là 300.000 đồng, còn dưới 20 triệu đồng thì mức phí là 500.000 đồng. Nơi đứng ra xuất hóa đơn là Công ty TNHH Đ.V.P., trụ sở tại Q.Bình Thạnh, TPHCM. Để tạo niềm tin, Q. gửi cho chúng tôi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) .

“Chị phải xé lẻ hóa đơn thì cơ quan thuế mới tin chị có giao dịch mua hàng thật. Chị kinh doanh hoa, xuất hóa đơn giá trị cao, cơ quan thuế sẽ nghi ngờ” – Q. hướng dẫn.

Theo phó giáo sư – tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), tình trạng mua bán hóa đơn “dẹp mãi không hết”  là do có lỗ hổng trong quản lý, cụ thể là sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các cơ quan khác. Có DN liên tục báo lỗ, cung cấp cho cơ quan thuế hóa đơn giá trị đầu vào cao hơn đầu ra để né thuế thu nhập DN, hoàn thuế VAT trong khi chính DN này vẫn liên tục mở rộng đầu tư mà không bị kiểm tra, đặt nghi vấn. Ngoài ra, còn có tình trạng một số cán bộ thuế “bắt tay“, hướng dẫn DN trốn thuế.

Còn theo ông Nguyễn Thái Sơn – nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục thuế TPHCM – tình trạng gian lận nói trên xuất phát từ cách làm quá xem trọng hóa đơn trong quản lý. Theo ông Sơn, ở các nước phát triển, rất khó làm hóa đơn khống bởi họ có hệ thống tích hợp xử lý dữ liệu, tất cả đều đưa về cơ quan thuế. Họ bắt buộc việc xuất hóa đơn, sử dụng hóa đơn, thanh toán đều thông qua ngân hàng. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chuộng thanh toán bằng tiền mặt nên thiếu cơ sở kiểm tra, kiểm chứng, tạo cơ hội cho một số DN hoạch toán và kê khai thuế khống nhằm trốn thuế, mua bán hóa đơn để trốn thuế.

“Để hạn chế nạn mua bán hóa đơn VAT, theo tôi, cần chú trọng kiểm tra các giao dịch bất thường của người nộp thuế, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác để tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế” – ông Sơn đề xuất.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : facebookháo đơn VATMạng xã hộimua bánzalo

Các tin liên quan đến bài viết