Sau 3 ngày Hà Nội triển khai xét nghiệm diện rộng cho kết quả khoảng 1 vạn dân có 1 ca F0. Với tỷ lệ nằm trong dự báo, TP đang trong lộ trình phấn đấu kiểm soát dịch trước 25/8 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV, đã xác định nhiệm vụ cho các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”.
Theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, Hà Nội ở nhóm các tỉnh, thành phố phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8, trong khi thực tiễn thành phố đang giãn cách xã hội lần 2 dự kiến kết thúc vào 6h ngày 23/8.
Nghiêm ngặt trong giãn cách, mở rộng các “vùng xanh”
Sau 20 ngày Hà Nội thực hiện giãn cách, thành phố vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình và đang triển khai xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng.
Thực tế sau 3 ngày xét nghiệm diện rộng, kết quả cho thấy, tỷ lệ khoảng 1 vạn dân có 1 ca F0 – đây là tỷ lệ thấp và nằm trong dự báo của TP.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. |
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, thời gian vừa qua các ca nhiễm ở Hà Nội cơ bản không bùng phát và có những dấu hiệu giảm.
Ông cho biết, Hà Nội vừa tiến hành xét nghiệm diện rộng hàng trăm nghìn mẫu thì số ca dương tính không nhiều, có những ca vẫn nằm trong vùng nguy cơ, phong tỏa do những ổ dịch trước.
Qua đánh giá tình hình dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội có thể thực hiện được mục tiêu trong Nghị quyết 86 của Chính phủ đề ra là phấn đấu kiểm soát được dịch trước ngày 25/8. Tuy nhiên, để làm được điều đó, ông nhấn mạnh một số biện pháp chính Hà Nội cần làm.
Thứ nhất, trong thời gian giãn cách tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp, giãn cách là việc hạn chế lây nhiễm giữa người mang mầm bệnh với người lành. Hà Nội vẫn còn những ca lẩn khuất trong cộng đồng, qua trường hợp xét nghiệm diện rộng và ho sốt, chỉ có giãn cách mới có thể cắt đứt lây nhiễm.
Thứ hai, Hà Nội tiếp tục tạo ra các “vùng xanh” (vùng an toàn) do người dân tự quản, để nếu có những ca dịch lẩn khuất trong cộng đồng thì không thể bùng phát lên được. Vấn đề tạo an toàn cho “vùng xanh” không phải là tạo ngăn sông cấm chợ.
Đặc biệt tạo nếp sống, cách làm những việc an toàn cho phòng chống dịch như chợ an toàn, siêu thị an toàn, ngõ phố an toàn, thôn xóm an toàn…, từ những ngõ xóm, thôn phố an toàn thì phường xã an toàn, quận huyện an toàn, thành phố an toàn, tiến tới cả Thủ đô an toàn.
Thứ ba, với người dân ngoài thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của TP thì cũng phải thực hiện “5K” (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung – khai báo y tế”.
“5K vô cùng quan trọng, có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm lẩn khuất trong cộng đồng”, ông Phu nhấn mạnh.
Ngoài ra, Hà Nội cũng tiếp tục xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định (vùng chỉ định, địa bàn chỉ định, đối tượng chỉ định), không xét nghiệm tràn lan để không lãng phí mà vẫn tìm được ca F0 để truy vết, xác định ổ dịch và dập tắt được ngay, tránh lây lan.
Việc xét nghiệm rất quan trọng nhằm đánh giá tình hình dịch như nào, mức độ ra sao, ở địa bàn nào còn nguy cơ… để đưa ra biện pháp kịp thời. Đây cũng là tiền đề đáp ứng cho quyết định sau ngày 23/8 khi hết giãn cách.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, sau khi hết giãn cách thì phải nới lỏng các hoạt động một cách từ từ, những hoạt động nào có nguy cơ cao cho sự lây lan như tập trung đông người, khu phong tỏa thì chưa được phép mở.
Ngoài ra, tiêm chủng vắc xin cũng là một biện pháp phòng bệnh một cách bền vững nhất. Hà Nội cần tiêm vắc xin càng nhanh càng tốt, càng nhiều người tiêm càng tốt và nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.
Ông cũng khuyến cáo người dân khi đi xét nghiệm hay tiêm vắc xin phải thực hiện tốt 5K, nếu không lại có sự lây lan dịch trong cộng đồng.
Vắc xin, giải pháp cứu cánh giảm bệnh nặng, giảm tử vong
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gợi ý một số biện pháp phòng, chống Covid-19 cho TP.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến các vấn đề: Giãn cách, xét nghiệm, điều trị, vắc xin và công nghệ; thực hiện nghiêm túc, phù hợp với diễn biến ở từng khu vực và trên địa bàn trong tiến hành giãn cách.
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát kiểm tra giấy đi đường của người dân. |
Chủ tịch nước cho rằng, cần tiếp tục xem xét tăng cường năng lực xét nghiệm quy mô lớn, thời gian nhanh để kịp thời khoanh vùng những khu vực nguy cơ cao.
Về điều trị, thành phố nên tăng cường năng lực ở tầng dưới, giảm tải tầng trên, tăng cường tập huấn cho các lực lượng làm nhiệm vụ; tiếp tục phát huy mô hình Tổ Covid-19 cộng đồng. Mỗi người dân có biểu hiện ho, sốt đều phải được xem xét xử lý sớm, kịp thời, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Về vắc xin phòng Covid-19, Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là giải pháp cứu cánh giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Do đó, thành phố cần nghiên cứu các quan điểm về vấn đề này như: tập trung cho “vùng đỏ”, tiêm cho người già, người nghèo, người có bệnh nền… với chiến lược cụ thể.
TP cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong phát hiện, truy vết. Bên cạnh đó là quan tâm đảm bảo dòng chảy hàng hóa vận chuyển an toàn, cung cấp đầy đủ cho người dân; chủ động, sẵn sàng hơn nữa về hậu cần, thuốc, vật tư y tế, bình ô xy ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát mạnh; kiểm soát chặt chẽ các chốt ra vào thành phố…
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, lúc này, giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng nhất để dập tắt các ổ dịch, bảo vệ sức khỏe an toàn tính mạng nhân dân. TP đã yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát các điều kiện, xây dựng phương án để bảo đảm sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch cũng như đời sống nhân dân trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu và phức tạp hơn.
Cụ thể như nâng công suất xét nghiệm lên 200.000 mẫu/ngày; nâng công suất cách ly tập trung lên 50.000 chỗ; nâng công suất giường bệnh điều trị lên 40.000 giường bệnh; thành lập các trung tâm hồi sức tích cực, phân luồng để có thể tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch….
“Nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và toàn thể người dân Thủ đô lúc này là chấp hành nghiêm nguyên tắc “người cách ly với người”, “gia đình cách ly với gia đình”, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đấy”, Bí thư Hà Nội nói.
Nguồn: vietnamnet