UBND tỉnh Bình Phước vừa giao cho một doanh nghiệp triển khai tuyến đường Đồng Phú – Bình Dương theo hình thức BOT, khiến hiệp hội vận tải lo ngại “gánh” thêm phí khi số trạm sẽ tăng từ 7 lên 9 trạm.

Trạm thu phí số 2 - QL14, đoạn qua H.Đồng Phú  /// Ảnh: Hoàng Giáp

Trạm thu phí số 2 – QL14, đoạn qua H.Đồng Phú ẢNH: HOÀNG GIÁP

Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Bình Phước, hiện tỉnh này có 5 dự án BOT, trong đó có 4 dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng trên các tuyến đường hiện hữu (từ 4 – 6 m lên 19 m) do địa phương quản lý và 1 dự án BOT QL14 (đoạn qua cầu 38 đến TP.Đồng Xoài) do Bộ GTVT quản lý. Tổng cộng có 7 trạm thu phí của 5 dự án này.

Số trạm sẽ tăng lên 9 khi dự án BOT tuyến Đồng Phú – Bình Dương hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2020. Hiện dự án được UBND tỉnh Bình Phước giao cho Công ty CP BOT đường Đồng Phú – Bình Dương triển khai, tuyến đường dài 42 km, rộng 11 m (khởi công ngày 25.4.2016, từ nối QL14 thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước với tỉnh Bình Dương), vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.467 tỉ đồng. Khi hoàn thành sẽ có 2 trạm thu phí đặt ở điểm đầu và điểm cuối của dự án.

Trạm thu phí “bủa vây”

Theo Sở GTVT Bình Phước, riêng 4 dự án BOT địa phương quản lý dài 128 km có đến… 6 trạm thu phí. Cụ thể, trên QL13 có 2 trạm trên đoạn từ ranh giới tỉnh Bình Dương đến TT.An Lộc, TX.Bình Long dài 32,3 km và 1 trạm trên đoạn từ TT.An Lộc đến ngã ba Chiu Riu (H.Lộc Ninh) dài 26,75 km. Tuyến đường tỉnh ĐT741 có 2 trạm trên đoạn Đồng Xoài – Phước Long dài 45,78 km và 1 trạm trên đoạn Bàu Trư – Đồng Xoài dài 23,21 km.

Ông Dương Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Phước, bức xúc: “Giá thu phí không chỉ cao, mà khoảng cách các trạm cũng gần hơn so với các tỉnh. Rất nhiều lần hiệp hội có kiến nghị gửi đến các sở, ngành, lãnh đạo tỉnh nhưng không được quan tâm”.
Cũng là chủ một doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu điều, ông Việt cho biết mỗi lần đưa hàng về TP.HCM, xe phải qua 6 trạm thu phí với giá bình quân từ 50.000 – 70.000 đồng/trạm, đi và về mất gần 700.000 đồng, khiến giá cả hàng hóa của DN giảm sức cạnh tranh hơn nhiều so với các nơi khác.

Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước cũng có đơn “kêu cứu” gửi đi nhiều nơi. Theo đó, một tỉnh nghèo như Bình Phước nhưng lại có nhiều trạm thu phí nhất cả nước với mật độ dày đặc. Ông Võ Quang Thuận, Chủ tịch hiệp hội, cho biết: Trung bình mỗi sản phẩm sản xuất ở Bình Phước từ đầu vào, đầu ra phải chịu 24 lần phí khi đi từ Bình Phước qua Bình Dương đến TP.HCM và ngược lại. Cụ thể, DN nhập hàng về phải qua 6 trạm thu phí phải chịu mất phí tới 12 lần (đi và về). Hàng sản xuất xong và chở đi tiêu thụ lại chịu thêm 12 lần phí nữa.

Cần giảm trạm thu phí

Tại buổi đối thoại với các DN vận tải cùng đại diện các trạm BOT vào ngày 4.4, ông Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cũng trăn trở khi có quá nhiều trạm thu phí BOT đóng trên địa bàn khiến cho giá thành sản phẩm tăng cao.

“Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, hỗ trợ từ ngân sách T.Ư có hạn thì việc kêu gọi đầu tư BOT là rất cần thiết. Đến nay, các dự án đầu tư BOT Bình Phước còn khó khăn, nhà đầu tư phần nhiều còn lỗ”, ông Minh trần tình và kêu gọi DN trong tỉnh và các bên chia sẻ những khó khăn chung. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tính toán một số giải pháp như tới đây không chấp thuận việc tăng giá ở các trạm thu phí; đồng thời xem xét giảm giá phí theo quy định cho người dân sống trong khu vực lân cận.

Giải thích về việc dự án BOT Đồng Phú – Bình Dương liệu có làm gia tăng thêm gánh nặng phí cho DN và người dân, ông Minh cho biết tuyến đường trên được đầu tư mới 100%, chứ không xây dựng trên tuyến đường cũ có sẵn. Về mức phí sẽ có quy định bằng giá với các tuyến đường khác. DN và người dân có quyền chọn lựa dịch vụ đường bộ bất kỳ trên các tuyến đường BOT nào mà đảm bảo không tăng thêm thu phí.

Tại buổi đối thoại, ông Võ Quang Thuận, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước, cho rằng: “Nếu tỉnh Bình Phước giảm được 1 trạm BOT trên địa bàn thì chỉ số cạnh tranh của DN cũng như của tỉnh sẽ tăng lên, nếu giảm được 2 – 3 trạm thì tôi khẳng định không chỉ việc kêu gọi đầu tư của tỉnh sẽ thuận lợi hơn mà chỉ số PCI của tỉnh sẽ tốt hơn”.

Ông Dương Hùng Việt kiến nghị: “Tỉnh cần xem xét lại, không chỉ giảm mức thu phí của các trạm mà còn phải giãn khoảng cách giữa các trạm theo đúng quy định, từ đó mới giúp DN tăng sức cạnh tranh, sức cạnh tranh của tỉnh cũng sẽ tăng lên, đầu tư vào tỉnh chắc chắn sẽ tăng cao trong thời gian tới”.

Theo Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của Phòng Thương mại – Công nghiệp VN thì Bình Phước xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố, chỉ đứng trên 2 tỉnh Đắk Nông và Lai Châu.

Theo Thanh Niên

Từ khóa : BÌNH PHƯỚCdoanh nghiệpDoanh Nghiệp Vận TảiGiá Thành Sản Phẩmtrạm thu phí BOT

Các tin liên quan đến bài viết