Việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc từ chối gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La là biểu hiện cho thấy Trung Quốc rất tự tin về thế đối trọng với Mỹ mà nước này đã kịp hoàn thành trong năm 2022.
Thế trận “cài răng lược” Trung Quốc đã thiết lập để đối phó các mũi phong tỏa của Mỹ
Trong thế trận này, Trung Quốc không chỉ từng bước dung hòa các mũi tiến công của Mỹ nhằm xây dựng ảnh hưởng ở các khu vực láng giềng của mình, mà còn trực tiếp khiến Washington phải nhìn nhận lại các biện pháp trừng phạt đang áp với Bắc Kinh.
Thế trận “cài răng lược”
Thứ nhất, Trung Quốc dùng đa phương đối trọng đa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Trung Quốc đã tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh với các nước Ả Rập vào tháng 12-2022, và Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á (hay C+C5) vào tháng 5-2023.
Hai hội nghị này đã góp phần quan trọng trong việc cân bằng ảnh hưởng đa phương của Trung Quốc ở Tây Á và Trung Á với cơ chế thượng đỉnh mà Mỹ đã thiết lập cùng Hội đồng các quốc gia vùng Vịnh (GCC) và cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao giữa Mỹ với Trung Á (C5+1).
Thứ hai, Trung Quốc dùng tam giác đối trọng tam giác. Định hướng này được thể hiện trước hết ở việc Trung Quốc phối hợp với Nga thúc đẩy các dự án hạ tầng năng lượng và kết nối trên Hành lang kinh tế Trung Quốc – Nga – Mông Cổ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng 9-2022.
Tam giác này không chỉ giúp phát huy tối đa lợi thế láng giềng của Trung Quốc với Mông Cổ, mà còn khiến Mông Cổ trở thành vùng đệm trung gian giữa hai vùng ảnh hưởng Trung – Nga và Mỹ – Nhật, trong bối cảnh tam giác Mỹ – Nhật – Mông Cổ tuy có sẵn nền tảng hợp tác cấp cao nhưng lại không có lợi thế về gắn kết biên giới.
Quyết định ủng hộ phục hồi Hội nghị thượng đỉnh Trung – Nhật – Hàn vào tháng 3 cũng là chỉ dấu quan trọng giúp Trung Quốc cân bằng thế trận ở Đông Bắc Á với các nỗ lực củng cố trở lại tam giác Mỹ – Nhật – Hàn bên lề thượng đỉnh G7 vừa qua của Washington.
Thứ ba, Trung Quốc phân tách các đối tác trọng yếu trong quỹ đạo của Mỹ. Theo đó, ông Lý Thượng Phúc đã thực hiện hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh bên lề thượng đỉnh SCO vào tháng 4.
Đến giữa tháng 5, ông Lý lần đầu tiên điện thoại trực tiếp theo cơ chế liên lạc trên biển và trên không cấp bộ trưởng quốc phòng để trao đổi với người đồng cấp Nhật Bản Yasukazu Hamada.
Hai động thái này kết hợp với việc Chính phủ Trung Quốc đang “bật đèn xanh” cho chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Úc A. Albanese vào cuối năm nay cho thấy mục tiêu của Trung Quốc là muốn trung hòa các đối tác chính trong cả ba cấu trúc Mỹ – Anh – Úc (AUKUS), Mỹ – Nhật – Ấn – Úc (QUAD) và Mỹ – Nhật – Hàn.
Ba áp lực trực tiếp đến Mỹ
Dựa trên nền tảng thế trận “cài răng lược” như trên, Trung Quốc lúc này đã chuyển từ tư thế phòng thủ sang phản công nhằm gây sức ép ngược với Mỹ.
Thứ nhất là sự công kích trực tiếp với các chính sách trừng phạt của Mỹ áp lên Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đàm Khắc Phi yêu cầu Mỹ nên “thể hiện sự chân thành và sửa chữa những hành vi sai trái” nếu muốn duy trì đối thoại quân sự giữa hai bên.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cũng đề nghị Washington dỡ bỏ “các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp”. Áp lực này thực sự đã có tác động, tạo ra nhiều tranh cãi trong chính quyền của ông Biden về việc có nên hủy bỏ lệnh trừng phạt đã áp lên ông Lý Thượng Phúc theo danh sách chỉ định đặc biệt (SDN) nhằm cứu vãn cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La hay không.
Thứ hai là sự răn đe tăng cường đối với sự hiện diện quân sự của Mỹ bao quanh Trung Quốc. Sự kiện chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc bay cắt mặt máy bay do thám RC-135 Rivet Joint của Mỹ trên không phận quốc tế ở Biển Đông vào ngày 26-5 là một động thái điển hình cho xu hướng này.
Thêm vào đó, các hoạt động tăng cường tuần tra và tập trận liên tiếp ở eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông trong tháng 4 vừa qua cũng cho thấy Trung Quốc muốn chủ ý gia tăng đối trọng với nhóm lực lượng Mỹ duy trì ở đây.
Thứ ba là chủ động mở rộng vành đai ảnh hưởng quân sự đến các quỹ đạo của Mỹ ở vòng ngoài. Trong đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phối hợp với Nga tổ chức tập trận chung ở những vị trí không chỉ sát sườn các đồng minh của Mỹ như biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương, biển Ả Rập, mà còn ở biển Bering, ngay cạnh lãnh thổ bang Alaska của Mỹ.
Ngoài ra, động thái Trung Quốc vừa công bố tên lửa siêu thanh mới nhất DF-27 có tầm bắn đến bang Hawaii của Mỹ cũng cho thấy sự tập trung vào các công nghệ có lợi thế tấn công tầm xa dưới thời ông Lý Thượng Phúc.
“Kinh tế nóng, quân sự lạnh”
Nhìn chung động thái “đóng băng” đối thoại quốc phòng cấp bộ trưởng của Bắc Kinh không chỉ là phản ứng từ chối đơn thuần, mà còn thể hiện chủ trương “kinh tế nóng, quân sự lạnh” trong quan hệ Trung – Mỹ.
Qua đó cho thấy Trung Quốc rất tin là thế trận “cài răng lược” của họ đang phát huy hiệu quả trong chiến lược trung hòa dần các cấu trúc do Mỹ ảnh hưởng ở khu vực. Do đó, với bối cảnh các cường quốc đang cân bằng ảnh hưởng lẫn nhau thì Đối thoại Shangri-La đang diễn ra có thể sẽ tạo thêm nhiều cơ hội điều phối cuộc chơi cho khối các nước nhỏ, dẫn đầu là các nước ASEAN.
Nguồn: tuoitre.vn