Vắc xin COVID-19 đã cho thấy tác dụng rõ ràng khi tỉ lệ người được tiêm chuyển nặng rất thấp so với trước đây. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số người chần chừ chưa đồng ý tiêm dù hoàn toàn đủ điều kiện.
Tỉnh Quảng Ngãi cho biết sẽ kỷ luật cán bộ từ chối tiêm (trừ trường hợp có lý do chính đáng). Tương tự, TP Đà Nẵng cũng sẽ có biện pháp xử lý và quy trách nhiệm đối với trường hợp từ chối tiêm dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Quảng Ngãi kỷ luật ở mức cao nhất
Ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết cán bộ nhà nước cần phải thực hiện đúng chủ trương. Ông Minh cho biết tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương có trường hợp cán bộ đủ điều kiện tiêm vắc xin nhưng lại không tiêm đúng lịch.
Từ đó, những người này có thể gây nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, ảnh hưởng đến công việc và những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch.
Được biết hiện có 1 trường hợp thuộc Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi và 1 người là nhân viên của Ban quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi đã lần lữa mãi, đến nay vẫn chưa tiêm vắc xin.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cơ quan chủ quản phải xem xét kỷ luật 2 trường hợp này và yêu cầu tất cả các cấp, sở ngành của tỉnh phải kiểm tra, rà soát việc tiêm vắc xin của tất cả cán bộ, nhân viên trực thuộc đơn vị.
“Nếu phát hiện có trường hợp cán bộ, nhân viên nào (trừ trường hợp không thể tiêm phòng và được bác sĩ xác nhận) chưa tiêm vắc xin như 2 trường hợp nêu trên, phải thực hiện xử lý kỷ luật mức cao nhất theo quy định pháp luật”, ông Minh nói.
Bởi theo ông Minh, việc tiêm vắc xin không chỉ giúp người tiêm an toàn hơn trước dịch bệnh mà còn giảm thiểu nguy cơ lây lan cho cộng đồng. Nếu người này tiêm mà người kia không tiêm thì không thể an toàn cho mọi người được. Đây là quyền lợi, cũng là trách nhiệm mà mọi cán bộ phải thực hiện.
Đà Nẵng xử phạt người từ chối tiêm
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số ca mắc COVID-19 ở TP Đà Nẵng vẫn duy trì quanh mốc khoảng 1.000 ca mắc mới cùng nhiều ca tử vong mỗi ngày.
Trong đó, đáng tiếc nhất nhiều trường hợp tử vong là người đã từ chối tiêm vắc xin trước đó. TP Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều giải pháp tiêm vắc xin bao gồm cả việc huy động hệ thống y tế đến nhà từng người không thể đi lại để tiêm.
Tuy nhiên, thống kê từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng hiện còn khoảng 2.000 người trong độ tuổi chưa được tiêm vắc xin vì nhiều lý do khác nhau.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã yêu cầu các địa phương tập trung rà soát trường hợp chưa tiêm vắc xin. Đồng thời cho biết sẽ xử lý người đứng đầu đối với các trường hợp người dương tính chưa được tiêm vì lý do địa phương chưa tổ chức tiêm (ngoại trừ những trường hợp có chống chỉ định tiêm chủng).
Bà Ngô Thị Kim Yến, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết đã giao Sở Tư pháp nghiên cứu các văn bản về mặt pháp lý, tham mưu biện pháp xử lý những người từ chối tiêm vắc xin với lý do không phù hợp. Đồng thời buộc các đối tượng này phải chịu trách nhiệm khi mắc và làm lây lan dịch bệnh.
Xử lý trên cơ sở nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho rằng mục tiêu tiêm chủng đã được Nhà nước đặt ra để giảm ca mắc cộng đồng, ca chuyển nặng và giảm tối đa ca tử vong.
Đây là chủ trương lớn mà cả hệ thống chính trị thực hiện trong thời gian qua để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Vị đại diện này cho biết trừ những trường hợp có lý do chính đáng theo chỉ định của bác sĩ thì hiện nay có thể căn cứ vào những nội dung được quy định trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và nghị định 117 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để xử lý các trường hợp từ chối tiêm vắc xin dẫn đến nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Ngoài ra, đối với đối tượng là cán bộ, công chức có thể bị xử lý theo Luật cán bộ, công chức vì không chấp hành chủ trương.
“Qua hai năm dịch bệnh mọi người đã thấy rõ giá trị của vắc xin. Lợi ích thấy rõ nên cho dù anh tự tin rằng mình khỏe, từ chối tiêm cũng nên nghĩ đến cộng đồng, nghĩ đến người xung quanh.
Trong tuần này Sở Tư pháp sẽ có tham mưu tất cả nội dung pháp lý để TP triển khai cho các địa phương tiến hành xử phạt những người từ chối tiêm vắc xin khi không có lý do chính đáng”, vị đại diện này nói.
Phạt tù người không chịu tiêm vắc xin
Theo một dự luật đang được các nhà lập pháp nghiên cứu kỹ lưỡng, ngày 22-2 vừa qua Quốc hội Uganda thông báo kế hoạch áp dụng luật sức khỏe cộng đồng mới, trong đó có nội dung sẽ phạt tiền những người không chịu tiêm vắc xin COVID-19 và nếu không thể nộp phạt, người vi phạm sẽ phải ngồi tù.
Theo Hãng tin Reuters, sở dĩ Quốc hội Uganda phải có biện pháp mạnh tay này vì mặc dù bắt đầu triển khai tiêm chủng gần một năm trước, song chỉ khoảng 16 triệu mũi vắc xin COVID-19 được tiêm tại quốc gia Đông Phi có 45 triệu dân này. Giới chức Uganda ta thán chính tâm lý chần chừ tiêm của người dân đã khiến tốc độ phủ vắc xin quá chậm.
Ủy ban Y tế hạ viện Quốc hội Uganda bắt đầu xem xét dự luật sức khỏe cộng đồng với những điều khoản bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19.
Luật mới đề xuất mức phạt 4 triệu shilling Uganda (1.139 USD) với người không chích ngừa, nếu không nộp phạt sẽ bị tù 6 tháng, thông tin được chia sẻ trên trang web của Quốc hội Uganda.
Thông báo của quốc hội dẫn lại quan điểm của Bộ trưởng Y tế Uganda Jane Ruth Aceng cho rằng việc bắt buộc tiêm chủng sẽ đảm bảo mục tiêu có thêm nhiều người hơn được bảo vệ và đạt miễn dịch cộng đồng. Quốc gia này đã có khoảng 163.000 ca bệnh, trong đó 3.500 người chết vì COVID-19.
Tương tự, từ ngày 14-2 Áo tuyên bố bắt buộc những người trên 14 tuổi phải tiêm vắc xin, người không tiêm (có một số trường hợp miễn trừ) bị phạt 3.600 euro.
Tại Hy Lạp, những người trên 60 tuổi nếu không chịu tiêm vắc xin sẽ bị phạt mỗi tháng 100 euro, số tiền này sẽ được góp vào quỹ ủng hộ các bệnh viện trong nước.
Ngoài hình thức phạt tiền, phạt tù, nhiều nước còn có các biện pháp trừng phạt cụ thể như cấm người chưa tiêm không được sử dụng các dịch vụ công, không tới nhà hàng, điểm vui chơi giải trí công cộng…
Nguồn: tuoitre.vn